Dù phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, song nhiều chỉ tiêu kinh tế trên địa bàn Thanh Hóa vẫn đạt mức tăng trưởng khá trong 6 tháng đầu năm 2023. Trong đó, đáng chú ý, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đạt 7%, cao nhất khu vực Bắc Trung Bộ, cao thứ 3 trong nhóm 10 tỉnh, thành phố có quy mô nền kinh tế lớn nhất cả nước. Các lĩnh vực sản xuất đều có bước phát triển.
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 7,49%; hoạt động du lịch diễn ra sôi động, dịch vụ vận tải tăng mạnh so với cùng kỳ. Thu ngân sách Nhà nước đạt 58% dự toán. Các chỉ số về cải cách hành chính của tỉnh: PAPI, PAR INDEX, SIPAS đứng trong nhóm dẫn đầu cả nước.
Để sớm hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2025 đưa Thanh Hóa trở thành cực tăng trưởng mới ở phía Bắc của Tổ quốc; trong thời gian tới, tỉnh Thanh Hóa sẽ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các chương trình, đề án, kế hoạch thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 58-NQ/TW và Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021 - 2025, các nghị quyết, kết luận, cơ chế, chính sách mới ban hành.
Tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tập trung rà soát, hỗ trợ, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp.
Phát triển ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững, gắn với xây dựng nông thôn mới; đẩy mạnh tích tụ, tập trung đất đai, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao để hình thành các vùng chuyên canh sản xuất hàng hoá quy mô lớn, chất lượng cao. Đổi mới phương thức sản xuất, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp.
Tập trung phát triển công nghiệp với tốc độ cao, trọng tâm là công nghiệp nặng, công nghiệp năng lượng và công nghiệp chế biến, chế tạo; ưu tiên phát triển mạnh các ngành công nghiệp lọc hóa dầu và sau lọc hóa dầu, công nghiệp phục vụ kinh tế biển, công nghiệp công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn…; thu hút đầu tư các dự án công nghiệp mới quy mô lớn, đưa Thanh Hoá trở thành một trong những trung tâm của vùng Bắc Trung Bộ và cả nước về công nghiệp.
Phát triển mạnh các ngành dịch vụ, đưa Thanh Hóa trở thành một trong những trọng điểm về du lịch, vận tải - cảng biển của khu vực và cả nước. Khai thác hiệu quả lợi thế của cụm cảng nước sâu Nghi Sơn để phát triển mạnh dịch vụ cảng biển, vận tải biển; xây dựng trung tâm logistics cấp vùng hạng I tại Khu kinh tế Nghi Sơn.