Mặc dù thanh khoản cải thiện nhưng áp lực bán mạnh trên diện không đã khiến thị trường không thoát khỏi phiên giảm sâu. Phiên 21/10, chỉ số VN-Index giảm 38,63 điểm, tương đương 3,65%, xuống 1.019,82 điểm.
Ở thời điểm đầu phiên sáng, giao dịch vẫn thận trọng và chỉ số VN-Index mở cửa xanh nhạt với mức tăng chưa tới 1 điểm nhờ sự hỗ trợ của một số bluechip. Tuy nhiên, với áp lực bán trên diện rộng sớm quay trở lại trong khi dòng tiền tham gia vẫn hạn chế khiến VN-Index nhanh chóng quay đầu.
Thị trường ngày càng nới rộng đà giảm điểm trong đợt khớp lệnh liên tục và VN-Index khi bảng điện tử chìm trong sắc đỏ.
Ở nhóm ngân hàng, CTG, TCB và STB đồng loạt giảm kịch sàn. Nhiều cổ phiếu cũng giảm rất mạnh như MBB giảm 6,12%, LPB giảm 6,51%, MSB giảm 5,58%, SHB giảm 5,53%, ACB giảm 4,45%... Các cổ phiếu khác cũng chìm trong sắc đỏ.
Cổ phiếu chứng khoán bi đát hơn khi đa số giảm kịch biên độ như SSI, VND, HCM, FTS, VIX, VCI, BSI, CTS, ORS.
Ở nhóm cổ phiếu bất động sản, ghi nhận sự suy giảm mạnh ở nhóm Vingroup như VIC, VHM và VRE giảm lần lượt 3,07%, 4,1% và 4,38%. Ngoài ra, NVL, BCM, PDR cũng lần lượt mất đi 0,13%, 1,76%, 0,61% giá trị. Ở nhóm vốn hóa nhỏ hơn, đa phần giảm kịch sàn như KBC, DIG, DXG, VCG, HDG, CII, DXS, ITA, HDC, KHG, IJC, HHV, SCR, HTN, DPG, HQC.
Ở nhóm sản xuất, giảm mạnh vẫn là xu thế chung khi MSN giảm 6,73%, HPG giảm 6,63%, các cổ phiếu như GVR, DGC, VHC, GEX, NKG, DBC, PAN, TLG, ANV, HSG, PHR, IDI, DRC, AAA đều giảm kịch biên độ.
2 cổ phiếu ngành hàng tiêu dùng là VNM giảm 0,65% còn SAB đi ngược chiều thị trường tăng 0,89%. Cũng có một số cổ phiếu khác ghi nhận sắc xanh như KDC, VCF, TRA, SHI.
Tình hình cũng không mấy khả quan ở cổ phiếu năng lượng và bán lẻ: GAS giảm 3,34%, POW giảm 5,07%, PGV giảm 2,33%, PLX giảm 5,97%; MWG và FRT đều giảm kịch sàn còn PNJ giảm 2,7%.
Cổ phiếu hàng không phân hóa khi VJC đứng giá tham chiếu còn HVN giảm 4,7%.
Toàn sàn HoSE có 31 mã tăng giá, 32 mã đứng giá tham chiếu và 453 mã giảm giá (trong đó có 137 mã giảm kịch sàn). Thanh khoản khớp lệnh được cải thiện lên mức 11.596 tỷ đồng.
Thị trường chứng khoán Việt Nam đang trải qua khoảng thời gian vô cùng khó khăn và tiếp tục đón nhận nhiều thông tin không mấy tích cực trong và ngoài nước.
Trong nước, dòng tiền eo hẹp khiến sức cầu cổ phiếu ở mức thấp, trong khi áp lực bán ra nhiều phiên tăng mạnh theo các tin xấu trên thị trường. Giá cổ phiếu hồi thì ít, mà giảm nhiều hơn.
Triển vọng kinh doanh của doanh nghiệp niêm yết cũng không mấy sáng sủa trong thời gian tới khi lãi suất tăng rất mạnh từ cuối tháng 9. Lãi suất huy động được nhiều ngân hàng nâng lên 8-9,5%/năm.
Theo VNDirect, vĩ mô đối mặt với nhiều thách thức. Tăng trưởng kinh tế quý 3 ở mức cao, nhưng đà tăng có thể chậm lại trong quý 4 và năm 2023. Lạm phát có xu hướng gia tăng, với CPI tháng 9 tăng 3,9% so với cùng kỳ.