Thị trường vàng trong nước diễn biến khó lường

11/07/2022 16:38

Thị trường vàng miếng trong nước được giới chuyên gia đánh giá là "một mình một chợ" khi luôn cao hơn giá vàng thế giới.

Thị trường vàng trong nước lạc lõng với giá vàng thế giới

Thị trường vàng trong nước chưa liên thông với thị trường thế giới, vẫn đang “một mình một chợ” nên diễn biến rất khó lường. 6 tháng đầu năm, thị trường vàng biến động không ngừng, trong bối cảnh liên tục chịu ảnh hưởng từ kinh tế từ bên ngoài cũng như sự thay đổi về chính sách tiền tệ của nhiều quốc gia nhằm giảm áp lực lạm phát. Vì thế, trong nửa còn lại của năm 2022, thị trường vàng vẫn rất khó dự đoán.

Tại thị trường trong nước, lúc 9 giờ ngày 9/7, giá vàng miếng SJC trong nước không có nhiều biến động, hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh vàng đều giữ nguyên giá mua và bán so với chốt phiên giao dịch trước đó, chỉ một số ít doanh nghiệp có mức tăng giá nhẹ lên 50.000 đồng/lượng.

hn-vang-016-1657369282-1657532054.jpg

Vàng trong nước luôn cao hơn so với thị trường quốc tế - Ảnh minh họa. 

 

Cụ thể, Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết vàng miếng SJC tại thị trường TP.HCM với mức giá 68.000.000 đồng/lượng mua vào và 68.600.000 đồng/lượng bán ra, không thay đổi so với giá chốt phiên giao dịch ngày trước đó. Tại thị trường Hà Nội và Đà nẵng, công ty SJC cũng giữ nguyên giá mua bán vàng miếng, nhưng giá bán vẫn cao hơn TP.HCM 20.000 đồng/lượng. Chênh lệch biên độ mua và bán của thương hiệu này vẫn là 600.000 đồng/lượng. Bên cạnh việc chênh lệch bất thường so với giá vàng thế giới, giá vàng miếng SJC trong nước còn đắt hơn giá vàng nhẫn 9999 cũng của Công ty SJC lên tới 16 triệu đồng/lượng.

Tương tự, thương hiệu DOJI Sài Gòn cũng giữ nguyên giá mua bán vàng miếng so với chốt phiên giao dịch ngày 8/7, lần lượt là 67.900.000 đồng/lượng mua vào và 68.500.000đồng/lượng bán ra. Vietinbank Gold cũng không thay đổi giá mua bán vàng miếng trong phiên giao dịch sáng nay, với giá mua bán lần lượt là 68.000.000 đồng/lượng và 68.620.000 đồng/lượng.

Cùng thời điểm, thương hiệu DOJI Hà Nội tăng nhẹ giá mua bán vàng miếng SJC lên 50.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua và bán so với chốt phiên giao dịch ngày hôm qua, lên mức giá 67.950.0000 đồng/lượng mua vào và 68.550.000 đồng/lượng bán ra. Trong khi đó, thương hiệu Phú Quý SJC giữ nguyên mức giá mua vào, nhưng tăng 50.000 đồng/lượng ở chiều bán ra, lần lược là 67.950.000 đồng/lượng và 68.550.000 đồng/lượng.

Trong khi giá vàng miếng SJC trong có nhiều biến động trong phiên giao dịch sáng ngày cuối tuần, giá vàng trang sức thương hiệu PNJ tại thị trường TP.HCM của Công ty CP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận tăng 100.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua và bán so với chốt phiên giao dịch trước đó, lên mức giá 51.700.000 đồng/lượng mua vào và bán ra là 52.800.000 đồng/lượng. Mức tăng giá này cũng được PNJ áp dụng đối với thị trường Hà Nội, tuy nhiên, giá bán tại thị trường Hà Nội vẫn thấp hơn 1.100.000 đồng/lượng so với thị trường TP.HCM.  

Tại thị trường thế giới, thời điểm 9 giờ sáng ngày 9/7 (theo giờ Việt Nam), giá vàng tại kitco.com giao dịch quanh mức 1.742 USD/ounce, tăng 3 USD/ounce so với chốt phiên giao dịch trước đó. Giá vàng tương lai giao tháng 8/2022 trên sàn Comex New York tăng 3,2 USD lên 1.739,7 USD/ounce.

Đêm trước đó, giá vàng trên thị trường quốc tế có thời điểm vọt lên 1.750 USD/ounce khi Mỹ công bố dữ liệu kinh tế cho thấy tháng 6/2022, quốc gia này tạo ra 372.000 việc làm. Tuy nhiên, giá vàng thế giới sau đó đi xuống. Nguyên nhân được cho là dữ liệu kinh tế Mỹ khởi sắc đang mở đường cho Cục Dữ trữ Liên bang mỹ (FED) tăng thêm lãi suất cơ bản 0,75 điểm vào cuối tháng 7 này.

Rủi ro thị trường vàng trong nước

Việc phân tích, dự báo thị trường vàng thế giới luôn được các chuyên gia trong nước ưa thích hơn so với dự báo thị trường vàng Việt Nam. Các chuyên gia đều nhận định, thị trường vàng trong nước chưa liên thông với thị trường thế giới, vẫn đang “một mình một chợ” nên diễn biến rất khó lường, chưa kể mức chênh lệch quá lớn lên tới 17 - 18 triệu đồng/lượng với thị trường thế giới sẽ đẩy rủi ro về phía người mua vàng.

TS. Nguyễn Thị Vũ Hà, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội, cho biết, thị trường vàng luôn nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư bởi quy mô thị trường đủ lớn để nhiều nhà đầu tư, bao gồm cả ngân hàng trung ương tham gia nhưng sản phẩm lại có tính ổn định giá trị theo thời gian. Rủi ro và bất ổn gia tăng khiến các nhà đầu tư xem xét lại vàng như một kênh trú ẩn an toàn và là phương thức phòng hộ truyền thống.

Tại Việt Nam, nhìn chung trong hơn 10 năm qua, giá vàng có xu hướng tăng và thay đổi cùng chiều với giá vàng thế giới. Tuy nhiên, mức điều chỉnh giá vàng trong nước còn chưa theo kịp với mức điều chỉnh giá vàng thế giới.

vang-mieng-1657369455-1657532054.jpg

Mức chênh lệch quá lớn lên tới 17 - 18 triệu đồng/lượng với thị trường thế giới sẽ đẩy rủi ro về phía người mua vàng.

 

Trong giai đoạn giá vàng thế giới tăng, giá vàng Việt Nam thường tăng mạnh hơn còn trong giai đoạn giá vàng thế giới giảm, giá vàng Việt Nam lại giảm ít hơn (trừ năm 2014 giảm mạnh hơn giá vàng thế giới). Thêm vào đó, trong các thời kỳ khủng hoảng toàn cầu (năm 2020) và bất ổn kinh tế vĩ mô ở Việt Nam (năm 2011 - 2012), giá vàng ở Việt Nam phản ứng mạnh hơn so với giá vàng thế giới.

Theo số liệu vừa được Tổng cục Thống kê công bố, bình quân 6 tháng đầu năm 2022, chỉ số giá vàng trong nước tăng 6,63% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, khảo sát thị trường vàng trong nước cho thấy, dù giá vàng SJC tăng hay giảm biên độ mạnh thì vẫn không có sự xáo động về tâm lý người mua vàng như trước. 

Thị trường vàng trong nước đang "lạc lõng" so với diễn biến trên thị trường thế giới và được giới chuyên gia đánh giá là “một mình một chợ”. Điều bất thường này đã diễn ra nhiều năm qua, khoảng cách chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới ngày càng được nới rộng, nhưng đến nay, các cơ quan chức năng vẫn chưa có động thái nào để thu hẹp khoảng cách này.

Bạn đang đọc bài viết "Thị trường vàng trong nước diễn biến khó lường" tại chuyên mục Kinh doanh. Mọi thông tin xin gọi hotline (0896.530.666) hoặc email (doanhnghiepvadoisong@gmail.com).