Trong thời gian qua, việc đầu tư nghiên cứu công nghệ, quy trình sản xuất, vật liệu mới, năng lượng tái tạo… để đưa ra các sản phẩm xanh có ích với cộng đồng đang là ưu tiên hàng đầu của các doanh nghiệp trên thế giới. Thương hiệu xanh dần trở thành một khái niệm phổ biến khi người tiêu dùng ngày càng có thu nhập cao hơn và quan tâm đến việc bảo vệ môi trường.
Từ đây, chuyển đổi xanh, sản xuất xanh, thương mại xanh, tiêu dùng xanh, tăng trưởng và phát triên xanh đã trở thành một xu thế tất yếu chứ không phải là một lựa chọn đối với các quốc gia trên thế giới... Và các doanh nghiệp Việt cũng không đứng ngoài xu thế này. Và thực tế cho thấy, thương hiệu xanh đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cả về kinh tế lẫn những giá trị vô hình, giúp doanh nghiệp tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường, nhất là trong bối cảnh Việt Nam tham gia vào quá trình toàn câu hóa.
Đồng thời, sản xuất xanh chính là yêu cầu tiên quyết khi thâm nhập thị trường các nước trên thế giới và tham gia vào các hiệp định như CPTPP, EVFTA,... bởi những hiệp định thương thương mại này đều có những quy định khắt khe về tiêu chí môi trường. Nếu chúng ta thực hiện tốt sản xuất xanh thì cũng là một cơ hội tốt để chúng ta tận dụng hiệu quả các hiệp định thương mại tự do và đáp ứng yêu cầu của các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, châu Âu...
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, xu hướng sống xanh, tiêu dùng xanh cũng đặt ra bài toán mới cho các doanh nghiệp Việt để phù hợp với xu thế phát triển chung và nâng cao vị thế, tăng sức cạnh tranh ở cả thị trường trong và ngoài nước.
Trước bối cảnh đó, Bộ Công Thương đã chọn chủ đề “Định vị Thương hiệu quốc gia Việt Nam Xanh” cho diễn đàn Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm nay, tạo cơ hội để các nhà hoạch định chính sách, chuyên gia, cộng đồng doanh nghiệp… cùng nhau đề xuất một số giải pháp, chiến lược gắn thương hiệu quốc gia xanh và bền vững với thương hiệu địa phương, ngành và doanh nghiệp.
Các đại biểu tham dự Lễ Khởi động Tuần lễ Thương hiệu quốc gia Việt Nam 2023.
Phát biểu tại lễ khai mạc, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh nhấn mạnh, Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam là chương trình xúc tiến thương mại đặc thù, dài hạn và duy nhất của Chính phủ giao Bộ Công Thương là cơ quan thường trực, chịu trách nhiệm phối hợp với các Bộ, ngành triển khai, nhằm xây dựng hình ảnh Việt Nam là một quốc gia có uy tín về hàng hóa và dịch vụ chất lượng cao, tăng niềm tự hào và sức hấp dẫn của đất nước và con người Việt Nam, góp phần thúc đẩy phát triển ngoại thương và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho biết thêm, qua 20 năm hình thành và phát triển, Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam đã đạt được những kết quả tích cực, thu hút được sự quan tâm đặc biệt và tạo được uy tín đối với các doanh nghiệp, cơ quan quản lý cũng như người tiêu dùng trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, chương trình cũng luôn đồng hành, hỗ trợ địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp phát triển thương hiệu sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ với chất lượng cao của mình.
Việt Nam là quốc gia được đánh giá cao trong việc xây dựng, phát triển Thương hiệu quốc gia và là Thương hiệu quốc gia có tốc độ tăng trưởng giá trị nhanh nhất thế giới trong giai đoạn 2020-2022. Cụ thể, theo báo cáo từ Brand Finance, giá trị Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2020 tăng 29,1% so với năm 2019, đạt mức 319 tỷ USD; năm 2021 tăng 21,6% so với năm 2020 (388 tỷ USD); năm 2022 tăng 11,1% so với năm 2021 (431 tỷ USD).
Thứ trưởng Trần Quốc Khánh khẳng định, với sự hỗ trợ của Chương trình Thương hiệu quốc gia, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã ý thức được vai trò quan trọng của thương hiệu nên đã đầu tư nghiêm túc cho xây dựng, phát triển thương hiệu sản phẩm và thương hiệu doanh nghiệp. Kết quả là, trong Top 50 Thương hiệu doanh nghiệp giá trị nhất Việt Nam năm 2022, có sự góp mặt của rất nhiều doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam.
Theo đó, nếu như năm 2018, mới có 14 doanh nghiệp Thương hiệu quốc gia Việt Nam nằm trong Top 50, chiếm tỷ trọng 28%; thì sau 5 năm con số này đã tăng lên 21 doanh nghiệp, chiếm tỷ trọng 42%. Đặc biệt, trong Top 10 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam, tỷ lệ doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam tăng mạnh từ 20% năm 2018 lên tới 60% năm 2022.
“Kết quả trên cho thấy, các thương hiệu hàng đầu Việt Nam đã có sự tăng trưởng vượt bậc cả về giá trị thương hiệu và chỉ số sức mạnh thương hiệu, nhờ đó nâng cao vị thế vững chắc trong bảng xếp hạng. Đồng thời, kết quả cũng chứng tỏ các doanh nghiệp Thương hiệu quốc gia Việt Nam đã dần bắt kịp với xu thế toàn cầu là đầu tư vào giá trị thương hiệu, góp phần đáng kể trong việc gia tăng giá trị Thương hiệu quốc gia Việt Nam”, Thứ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh./.