Những ngày này, vùng quê Thanh Hà (Hải Dương) rộn ràng, tấp nập hơn. Từ tờ mờ sáng, tiếng trò chuyện, gọi nhau đã râm ran trên bờ đê hay trong các vườn vải, hòa cùng tiếng xào xạc của cành lá; bà con thu hoạch vải sớm để kịp mang ra các điểm thu gom vào đầu giờ sáng, cũng là tránh cái nắng nóng gay gắt; Con đường quê vốn yên bình cũng trở nên đông đúc, nhộn nhịp...
Theo ghi nhận tại nhà ông Đỗ Văn Kiên ở xã Thanh Sơn, huyện Thanh Hà, gia đình ông có 150 gốc vải đang vào chính vụ thu hoạch, hiện đã bán được hơn 1 tấn vải, chủ yếu là các giống vải sớm như u hồng, trứng trắng, tàu lai,… dự kiến còn khoảng gần 2 tấn vải thiều sẽ được thu hoạch từ nay đến hết tháng 6.
Ông Kiên cho biết: "Thời điểm trước, vải đắt, giá cả cao nên thu cũng được 40 - 50 triệu đồng. Vào đầu mùa, chúng tôi bán được khoảng 40.000 - 45.000 đồng/kg, đấy là u trứng. Tiếp theo đến u hồng. Bây giờ tất cả mọi người đều sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap thì đều để to, chín đều mới bẻ bán".
Năm 2023, tỉnh Hải Dương trồng gần 8.900 ha vải; trong đó có 52 vùng trồng với diện tích 610 ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Những vùng sản xuất vải phục vụ xuất khẩu được kiểm soát chất lượng nghiêm ngặt, đảm bảo các điều kiện của các nước nhập khẩu. Năm nay cũng cho chất lượng tốt hơn, đã mang lại thu nhập khá cho bà con. Chỉ tính riêng huyện Thanh Hà, diện tích trồng vải đạt khoảng 3.250 ha, sản lượng ước đạt khoảng 40.000 tấn. Đến thời điểm này, địa phương đã tiêu thụ được gần một nửa; trong đó, trên 50% là xuất khẩu.
Ông Phạm Văn Giang, Tổ trưởng tổ sản xuất số 10 xã Thanh Sơn (huyện Thanh Hà) cho biết, tổ sản xuất có 70 hộ trồng vải, đều sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap để xuất khẩu. Bà con đã được tập huấn và bắt đầu quy trình sản xuất theo các tiêu chuẩn nghiêm ngặt từ năm 2019, đến nay đã thành thạo và có nhiều kinh nghiệm.
Theo ông Giang: "Để chuẩn bị xuất đi Nhật Bản thì các hộ gia đình và công ty đều quan tâm đến dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên quả vải về ngưỡng bằng 0 thì Nhật mới cho phép xuất sang. Tổ sản xuất của mình và gia đình mình đã kiểm tra ít nhất 2 lần, dư lượng đều về bằng 0. Chất lượng trái to, ăn ngọt, màu sắc đẹp, không bẻ xanh quá, không bẻ chín quá".
Cùng với việc cấp và duy trì 203 mã số vùng trồng vải xuất khẩu sang Nhật Bản, Hoa Kỳ, Australia, Trung Quốc, Thái Lan, tỉnh Hải Dương và huyện Thanh Hà cũng quan tâm việc cấp, quản lý mã số các cơ sở đóng gói xuất khẩu.
Bên cạnh đó, hướng dẫn bà con thực hiện nghiêm các quy định trong quá trình sản xuất, đáp ứng tiêu chuẩn của các thị trường xuất khẩu, từ tháng 4/2023, huyện Thanh Hà đã tổ chức xúc tiến tiêu thụ vải, kết nối các doanh nghiệp với các hợp tác xã và tổ sản xuất.
Theo bà Hoàng Thị Thúy Hà, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Thanh Hà (tỉnh Hải Dương), nhờ đó tất cả các diện tích vải trồng theo tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap trên địa bàn đều được các doanh nghiệp thu mua xuất khẩu hoặc tiêu thụ tại các siêu thị, thị trường khó tính với giá cao. Bà Hà nhấn mạnh: "Chúng tôi xác định là phải đa dạng hóa thị trường cả trong nước và nước ngoài. Thị trường nước ngoài thì thị trường truyền thống vẫn là thị trường Trung Quốc. Chúng tôi cũng đặc biệt quan tâm đến việc tiếp tục đưa các sản phẩm vào thị trường cao cấp như: Nhật, Mỹ, Hà Lan, Mỹ và Thái Lan.
Đặc biệt, thị trường Nhật thì năm nay các doanh nghiệp Nhật đến cũng tiếp cận, cam kết tiêu thụ đối với các doanh nghiệp xuất khẩu sản lượng gấp 2, 3 lần so với các năm trước".
2023 cũng là năm đầu tiên Hải Dương đưa sản phẩm vải thiều Thanh Hà đạt tiêu chuẩn xuất khẩu vào bán trong hệ thống BigGreen phục vụ người tiêu dùng thủ đô Hà Nội; vải thiều Thanh Hà có mặt trong suất ăn của các hãng hàng không. Đây là sự kiện quan trọng trong việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm vải Thanh Hà đến với thực khách trong nước và quốc tế.
Tại tỉnh Bắc Giang, năm nay, huyện Lục Ngạn xác định hình thức tiêu thụ chủ yếu là bán quả vải tươi và chế biến vải thiều tại chỗ bằng hình thức sấy khô, đóng hộp, ép nước…Hai thị trường chính được huyện xác định là xuất khẩu và tiêu thụ trong nước. Dự kiến có hơn 43.300 tấn sẽ được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc và một số thị trường khác như Mỹ, Nhật Bản, các nước Đông Nam Á, các nước EU…Trong đó, thị trường Trung Quốc chiếm 85 - 90% sản lượng xuất khẩu. Tiêu thụ trong nước khoảng 35.000 tấn tập trung vào các trung tâm thương mại, chợ đầu mối lớn tại Hà Nội, TP.HCM và Đồng Nai, các nhà, kênh phân phối… Ngoài ra, huyện Lục Ngạn cũng đẩy mạnh tiêu thụ qua kênh thương mại điện tử khoảng 7.000 tấn; sấy khô 9.500 tấn còn lại bảo quản lạnh, chế biến sâu khoảng 3.200 tấn. Theo khảo sát, giá vải thiều tại TP.HCM phổ biến ở mức từ 30.000 - 35.000 đồng/kg. Một số tiểu thương cho biết, giá vải thiều năm nay có phần tăng nhẹ. Cụ thể, giá vải thiều chở bằng đường bộ, đường sắt bảo quản lạnh có giá 35.000 - 40.000 đồng/kg. Vải thiều chở bằng máy bay có giá bán khoảng 50.000 - 60.000 đồng/kg |