Chia sẻ về vấn đề này tại "Diễn đàn Liên kết vùng trong phát triển kinh tế để phát huy thế mạnh địa phương" mới đây, TS. Vũ Mạnh Hùng, Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Ban Kinh tế Trung ương nhìn nhận, trong chiến lược phát triển kinh tế nông nghiệp hiện nay liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, liên kết vùng nguyên liệu, liên kết chuỗi giá trị nông sản cần phải đóng vai trò chủ chốt để sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, ổn định về đầu ra, tạo ra sức cạnh tranh và nâng cao chuỗi giá trị cho nông sản Việt. Tuy vậy, thách thức lớn hiện nay là việc liên kết kinh tế trong lĩnh vực nông nghiệp tuy có cải thiện nhưng vẫn còn khá lỏng lẻo, chuỗi giá trị kém hiệu quả và thiếu hành động tập thể. Điều này đòi hỏi cần phải khắc phục những mặt hạn chế và khẳng định hơn nữa vai trò thực chất của liên kết kinh tế trong ngành Nông nghiệp.
Để tăng tính liên kết kinh tế trong phát triển kinh tế nông nghiệp ở Việt Nam, TS. Vũ Mạnh Hùng kiến nghị, kết hợp quy hoạch vùng nông nghiệp chuyên môn hóa với quy hoạch phát triển ngành hàng nhằm tập trung nguồn lực và chính sách cho những sản phẩm thế mạnh của vùng để sớm hình thành vùng kinh tế nông nghiệp phát triển và ngành hàng nông sản mạnh. Trong đó, luôn đòi hỏi sự phối hợp và hợp tác thiết thực của các doanh nghiệp (DN).
Ảnh minh họa về sản phẩm nông sản
Bên cạnh đó, cần tiếp tục cải thiện môi trường pháp luật, đặc biệt là ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn chất lượng, nâng cao hiệu lực hợp đồng và hoàn thiện khung pháp lý và các chính sách hỗ trợ trực tiếp của Nhà nước tạo điều kiện cho liên kết phát triển.
Tiếp đó, các DN, đặc biệt là các DN vừa và nhỏ cần nâng cao hơn nữa nhận thức về hiệu quả của liên kết kinh tế. Từ đó, chủ động tìm kiếm, lựa chọn và thiết lập các mối liên kết phù hợp ở nhiều lĩnh vực khác nhau, như liên kết về thị trường, liên kết trong chuỗi giá trị của nông sản. Thắt chặt liên kết “bốn nhà” (trong đó có mô hình liên kết HTX, liên minh HTX) chính là nhằm khắc phục những hạn chế hiện nay trong sản xuất nông nghiệp, đồng thời xây dựng nền tảng vững chắc, phát huy lợi thế từng địa phương, vùng miền, góp phần phát triển kinh tế - xã hội nói chung trong thời gian tới.
Ngoài ra, TS. Vũ Mạnh Hùng nêu giải pháp tiếp tục thúc đẩy việc tích tụ ruộng đất cho sản xuất nông nghiệp và xây dựng mô hình cánh đồng lớn; Cần đề cao vai trò của Nhà nước trong xây dựng và phát triển liên kết ngành, nhất là phát triển sản phẩm chủ đạo có tính chất dẫn dắt, lôi kéo các hoạt động khác phát triển; Chú trọng làm tốt khâu tuyên truyền vận động DN, HTX và nông dân tự nguyện liên kết với nhau trên cơ sở chung động lực lợi ích (được vay vốn ưu đãi, được tập huấn kỹ thuật, chia sẻ với nhau để nâng cao trình độ sản xuất, chia sẻ lợi nhuận và rủi ro thông qua các chính sách hỗ trợ HTX, hỗ trợ DN, hỗ trợ nông dân). Để giúp ngành nông nghiệp tiến gần hơn với mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 55 tỷ USD trong năm nay là liên kết vùng, liên kết này chỉ bền vững khi các chủ thể trong chuỗi "bắt tay" cùng phát triển - TS. Vũ Mạnh Hùng nhấn mạnh.
Ông Tạ Việt Hùng, Giám đốc HTX Nông trại xanh Ba Vì (Hà Nội) cho rằng, để tạo ra được “sân chơi” và giá trị thực thụ cho chủ thể liên kết, DN phân phối phải là bên "đặt hàng" nông dân sản xuất gì, tiêu chuẩn ra sao, mẫu mã bao bì như thế nào? Nhưng thực tế, nông dân vẫn phải "tự bơi". "Vì vậy, chúng tôi là nhà sản xuất rất muốn được là mắt xích, liên kết vùng nhưng chưa có cơ hội giao lưu là những chủ thể đầu ra, muốn gặp được làm thế nào, phải tự tìm đến hay cơ quan quản lý chủ trì tạo ra sân chơi để chúng tôi tiếp cận thông tin và chuyển hướng sản xuất theo yêu cầu nhà bán buôn".
Bên cạnh đó, theo ông Hùng, việc hoạch định chính sách rất quan trọng, tất cả chính sách có phù hợp, đúng và trúng hay không thì phải thông qua các mắt xích để có các quy định phù hợp.