Những khó khăn, vất vả, trở ngại của doanh nghiệp và người dân thì ai cũng biết. Ngoài ra, còn có những tác động xấu, lâu dài cho cả nền kinh tế và đời sống nhân sinh, nếu không giải quyết kịp thời có thể sẽ gây hệ lụy.
Trên thực tế, Liên Bộ Công Thương - Tài chính cũng biết đến việc này và có trả lời quan điểm của mình nhưng sự chờ đợi của mọi người thì lại không được như mong muốn. Báo chí hôm 4/6 có đăng ý kiến của Bộ công thương: “Tình hình giá vẫn được kiểm soát và tương đối ổn định.”
Trước đó, trao đổi bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công Thương bày tỏ ý kiến, nếu giảm giá xăng dầu thì có thể bị kiện về chống bán phá giá, trợ cấp, thậm chí là thao túng tiền tệ. Bộ trưởng cũng cho rằng, ép giá đầu vào và chúng ta không phản ánh đúng giá trị của hàng hóa. Giảm giá xăng chính là tạo điều kiện cho buôn lậu xăng dầu.
Phân tích kĩ ý kiến của Bộ công thương cho ta thấy: Ý kiến có phần nào đúng, Nhưng ý kiến đó đã đi ngược lại nguyện vọng chính đáng, cấp bách của doanh nghiệp và người dân hiện nay, nhất là sau đại dịch họ còn rất nhiều khó khăn.
Dư luận cho rằng, giảm thuế phí xăng dầu có thể ban đầu Nhà nước sẽ giảm thu ngân sách, song điều lớn hơn đó là đem lại sức sống cho doanh nghiệp và đời sống của người dân. Một khi giá xăng dầu trở về mức hợp lý sẽ thúc đẩy doanh thu phải nộp ngân sách có thể còn nhiều hơn số tiền mà Nhà nước đã bỏ ra để giảm thuế phí ban đầu. Đây là cái gốc của sự phát triển bền vững ở nước ta, là cái gốc để nuôi nguồn nhân lực cho sản xuất kinh doanh và cho sự phát triển.
Dư luận mong rằng, các Bộ, ngành có liên quan cần lắng nghe một cách nghiêm túc, gần dân, gần doanh nghiệp hơn nữa để có những đề xuất kịp thời, chính xác ngay trong nửa đầu tháng 6/2022.
Nếu chúng ta bỏ qua thời cơ để giảm giá xăng dầu hiện nay, sẽ kéo theo nhiều hệ luỵ. Xin nhắc lại lời của Chủ tịch nước: “Đừng để lạm phát cuốn trôi người nghèo”.