Theo số liệu của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), trị giá xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam trong tháng 5/2023 đạt 600 triệu USD, tăng 53,3% so với tháng 4/2023 và tăng 137,7% so với tháng 5/2022.
Lũy kế 5 tháng đầu năm 2023, trị giá xuất khẩu hàng rau quả ước đạt 1,97 tỷ USD, tăng 39% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong khi nhiều mặt hàng nông sản có dấu hiệu sụt giảm xuất khẩu, riêng ngành hàng rau quả tiếp tục ghi nhận tốc độ tăng trưởng xuất khẩu khả quan.
Hầu hết các chủng loại rau quả xuất khẩu đều ghi nhận tốc độ tăng trưởng tốt. Dẫn đầu về trị giá xuất khẩu trong 4 tháng là chủng loại quả đạt 920,7 triệu USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong cơ cấu chủng loại quả xuất khẩu chính, chỉ có trái thanh long và chuối là có trị giá giảm, mức giảm lần lượt 20% và 18,4%, đổi lại, xuất khẩu trái sầu riêng tăng 573,1% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 190,5 triệu USD. Trái sầu riêng xuất khẩu chủ yếu tới thị trường Trung Quốc, với trị giá chiếm 84,3% tổng trị giá xuất khẩu trái sầu riêng.
Đáng chú ý, sau khi Việt Nam và Trung Quốc ký Nghị định thư xuất khẩu quả sầu riêng chính ngạch, thì trái sầu riêng đã được đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường này.
Ngoài việc ký nghị định thư xuất khẩu sầu riêng chính ngạch, Việt Nam và Trung Quốc còn ký nghị định thư với chủng loại quả măng cụt và chuối. Việt Nam đang đàm phán để ký nghị định thư với Trung Quốc các chủng loại quả như: thanh long, dưa hấu, vải, nhãn, chôm chôm, xoài.
Đồng thời, đề nghị phía Trung Quốc mở cửa thêm cho các mặt hàng rau quả khác của Việt Nam như: Bưởi da xanh, dừa tươi, bơ, chanh, dứa, vú sữa.
Chủng loại sản phẩm chế biến xuất khẩu đạt 356,4 triệu USD, tăng 22,9% so với cùng kỳ năm 2022. Đáng nói, sản phẩm rau quả chế biến luôn duy trì tốc độ tăng trưởng tốt, ngay cả trong bối cảnh ngành hàng rau quả sụt giảm trong năm 2022, lần đầu tiên vượt mức 1 tỷ USD trong năm ngoái.
Hiện, đang vào cao điểm thu hoạch nhiều loại trái cây của Việt Nam, như mít, sầu riêng, vải thiều..., kéo theo hoạt động xuất khẩu cực sôi động. Sầu riêng chủ yếu được xuất sang Trung Quốc qua cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn).
Thống kê của Cục Hải quan Lạng Sơn, tính đến ngày 30/5, tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị đã có 1.601 lô hàng, tương đương gần 60.000 tấn sầu riêng được làm thủ tục thông quan xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.
Với vải thiều cũng đang trong cao điểm thu hoạch, Sở Công thương Bắc Giang cho biết, tổng sản lượng vải thiều niên vụ 2023 đạt trên 180.000 tấn, ngoài bán nội địa, tỉnh dự kiến xuất khẩu 99.000 tấn vải thiều, chủ yếu đi Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Malaysia; UAE…
Trung Quốc mở cửa trở lại từ đầu năm nay sau 3 năm phòng chống dịch covid-19 đang tạo thuận lợi cho nông sản, đặc biệt là mặt hàng rau quả nhiệt đới của nước ta tăng xuất khẩu sang thị trường này. Tính đến hết tháng 5/2023, Trung Quốc đã chi 805 triệu USD mua rau quả Việt Nam.
Và tình trạng ùn ứ xe hàng trái cây chờ xuất khẩu tại các cửa khẩu của tỉnh Lạng Son đã xuất hiện từ cuối tháng 5. Ban quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn cho biết,tính đến 20h ngày 1/6, lượng xe tồn chờ xuất khẩu là 670, chủ yếu ở cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (482 xe).
Cơ quan chức năng khuyến nghị các doanh nghiệp theo dõi, nắm bắt tình hình thông quan tại các cửa khẩu biên giới, nhất là các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn trong thời gian tới. Mục tiêu là không để tái diễn tình trạng nông sản bị ùn ứ tại cửa khẩu trong điều kiện nắng nóng dễ bị hư hỏng.
Đồng thời, doanh nghiệp phải đáp ứng các quy định của phía Trung Quốc về kiểm nghiệm, kiểm dịch, giám sát chất lượng và đăng ký doanh nghiệp theo Lệnh số 248 (lưu ý các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm trái cây sấy khô, đông lạnh cũng cần thực hiện đăng ký doanh nghiệp).