Cụ thể, theo tác giả Ruchir Sharma, trong thời kỳ kinh tế ảm đạm như hiện nay khi các chuyên gia đều dự báo về tình trạng suy thoái và lạm phát ở hầu hết các nước thì vẫn có một số nền kinh tế ghi nhận những diễn biến khả quan, trái ngược với bức tranh bi quan bao trùm.
Những nền kinh tế nổi bật phải kể đến Việt Nam, Indonesia, Ấn Độ, Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Saudi Arabia và Nhật Bản.
Việt Nam thuộc nhóm 07 nền kinh tế nổi bật.(Ảnh minh họa - Ảnh: TTXVN)
Điểm chung của các nền kinh tế này là tăng trưởng tương đối cao, lạm phát vừa phải hoặc lợi nhuận thị trường chứng khoán cao so với các nền kinh tế khác.
Theo tác giả bài báo, không quá bất ngờ khi Việt Nam nằm trong danh sách 7 nước có hoạt động kinh tế hiệu quả và coi đây là minh chứng điển hình cho thấy các chính sách của Chính phủ đang phát huy hiệu quả. Nhờ đầu tư mạnh vào cơ sở hạ tầng phục vụ cho sản xuất xuất khẩu và mở cửa nền kinh tế, Việt Nam đang tăng trưởng gần 7%. Đây là tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới.
Với các nền kinh tế còn lại trong danh sách, bài báo cũng đưa ra những phân tích và nhận định về các yếu tố giúp mỗi nước tránh khỏi suy thoái kinh tế toàn cầu.
Dù không loại trừ khả năng diễn biến kinh tế tích cực của nhóm "7 kỳ quan kinh tế" có thể đảo chiều do những bất ổn địa-chính trị trên toàn cầu nhưng bài báo nhấn mạnh trong bối cảnh lo ngại về triển vọng toàn cầu, vẫn xuất hiện một số nền kinh tế khả quan.
Kinh tế Việt Nam được dự báo tăng trưởng 7,2% trong năm nay. Đây là mức tăng trưởng kinh tế cao nhất khu vực Đông Á - Thái Bình Dương. Thông tin vừa được công bố sáng nay (27/9) theo giờ Việt Nam từ trụ sở chính của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Washington DC, Hoa Kỳ.
Đáng chú ý, Báo cáo cập nhật kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương nhấn mạnh đến cụm từ "tăng trưởng phi thường" đối với Việt Nam, khẳng định sự điều hành linh hoạt của Chính phủ, giảm thiểu tác động từ bên ngoài và sức bật cho tăng trưởng. Nội dung này cũng là chủ đề được nhiều trang báo quốc tế quan tâm.
Theo Ngân hàng Thế giới, sự phục hồi này chủ yếu dựa trên những khởi sắc của ngành xuất khẩu và giải phóng nhu cầu bị dồn nén sau khi các quy định về hạn chế di chuyển do Covid-19 được dỡ bỏ, gần đây là sự quay trở lại dần của khách du lịch nước ngoài. Khu vực dịch vụ ghi nhận mức tăng trưởng kỷ lục 8,6% trong quý 2.
"Việt Nam tăng trưởng ấn tượng so với các quốc gia khác trong khu vực. Trong bối cảnh kinh tế hiện nay, Việt Nam tiếp tục giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát nợ quốc tế, nguồn thu cho ngân sách ổn định, đáp ứng các mục tiêu phục hồi sản xuất trong nước. Việc ưu tiên lúc này của Việt Nam đó là chuyển đổi sang hướng sản xuất đảm bảo chất lượng, tham gia sâu hơn, bền vững hơn chuỗi cung ứng. Điều này cũng có lợi để Việt Nam có nguồn thu từ dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài chất lượng cao", ông Aadytia Mattoo, chuyên gia Kinh tế trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Ngân hàng Thế giới, đánh giá.