Theo thống kê mới nhất của Bộ Thông tin và Truyền thông, tính đến thời điểm hiện nay, đã có 100% bộ, ngành ban hành Nghị quyết, Chương trình, kế hoạch hoặc đề án hành động về chuyển đổi số trong ngành, lĩnh vực; 63/63 địa phương ban hành Nghị quyết chuyên đề của Thành ủy, Tỉnh ủy về chuyển đổi số và đưa nội dung chuyển đổi số vào Nghị quyết của Thành ủy, Tỉnh uỷ; 100% bộ, ngành, địa phương đã kiện toàn, thành lập Ban Chỉ đạo về chuyển đổi số.
Đến nay, tỷ lệ dịch vụ công đủ điều kiện được cung cấp trực tuyến mức độ 4 là 97,3%; tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ là 67,8%, gấp 2 lần so với cùng kỳ năm 2021; tỷ lệ hồ sơ xử lý trực tuyến là 43,2%, tăng 14,57% so với cùng kỳ.
Ngoài ra, việc phát triển các nền tảng số được coi là giải pháp đột phá để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số. Đến nay, đã có hơn 50 nền tảng công nghệ số được ra mắt phục vụ công cuộc chuyển đổi số quốc gia trên cả 3 trụ cột Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.
Theo đánh giá của Liên hợp quốc, Việt Nam xếp hạng 76/193 quốc gia trên thế giới về chỉ số dịch vụ trực tuyến (OSI - Online Service Index), tăng 5 bậc so với năm 2020. Bộ TT&TT cũng đã chủ động hỗ trợ trực tiếp cho các địa phương để cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình.
Ảnh minh họa.
Trước đó, số liệu thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, cơ quan Thường trực Uỷ ban Quốc gia về Chuyển đổi số, cho biết tính đến cuối tháng 8/2022, có khoảng 97,3% dịch vụ công trực tuyến đủ điều kiện đã được cung cấp trực tuyến mức độ 4; khoảng 40% hồ sơ thủ tục hành chính được xử lý trực tuyến (tăng 10% so với 30% cuối năm 2021); nhiều địa phương đã có những sáng kiến, cách làm hay để nâng cao hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến.
Số liệu thống kê được ghi nhận từ hệ thống giám sát, đo lường tự động của Bộ Thông tin và Truyền thông cho thấy, tính từ đầu năm 2022 đến gần cuối tháng 8, ở khối các bộ, ngành thì 3 bộ: Công Thương, Giáo dục và Đào tạo và Bộ Thông tin và Truyền thông dẫn đầu về tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến có phát sinh hồ sơ, với các tỷ lệ đạt được lần lượt là 100%, 100% và 97,67%.
Về tỷ lệ hồ sơ được xử lý trực tuyến, 3 bộ: Công Thương, Giáo dục và Đào tạo và Tài chính có tỷ lệ xử lý trực tuyến cao nhất, lần lượt đạt 99,99%, 99,58% và 91,41%. Ở nhóm các địa phương, Long An, Hải Dương, Tiền Giang, Hòa Bình và Bắc Giang là các tỉnh có tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ cao nhất, có tỷ lệ từ trên 90% đến 96,47%.