Hơn 10 tấn nhãn tươi đầu tiên của Công ty Trái cây Hoàng Phát đóng tại tỉnh Long An vừa được xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, mở ra cơ hội tăng trưởng cho trái cây Việt trong năm 2023.
Đây là giống nhãn Indo, được trồng từ vùng nguyên liệu liên kết của Công ty tại Vĩnh Long và Đồng Tháp.
Hơn 10 tấn nhãn tươi đầu tiên của Công ty trái cây Hoàng Phát đóng tại tỉnh Long An vừa được xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. (Ảnh minh họa)
Ông Lê Văn Thiệt (Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật, Bộ NN&PTNT) cho biết: Phải mất 6 năm đàm phán để mở cửa thị trường Nhật Bản cho trái nhãn Việt, cho thấy đây là một thị trường rất khắt khe, minh bạch, yêu cầu chất lượng cao hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, bù lại Nhật Bản là thị trường rất tiềm năng, mỗi năm nhập đến 20 tỷ USD rau quả các loại, trong khi đó Việt Nam chiếm chưa tới 3%. Việc được Nhật Bản chấp thuận nhập khẩu, cho thấy trái nhãn Việt Nam đã đạt tiêu chuẩn chất lượng cao, có thể khai thác mạnh để tăng trưởng tốt hơn trong tương lai.
Việt Nam hiện có hơn 80.000 ha trồng nhãn, top 5 cả nước về trái cây, sản lượng đạt 600.000 tấn/năm, loại trái này đang có mặt ở nhiều thị trường tiềm năng. Dù vậy, mới khoảng 2.000 ha và 3 nhà máy sơ chế đóng gói sản phẩm được cấp mã số trồng và xuất khẩu sang Nhật Bản.
Với thành công bước đầu và kinh nghiệm xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Việt Nam kỳ vọng sẽ tiếp tục đẩy mạnh đưa trái nhãn vào nhiều thị trường cao cấp, nâng cao giá trị và hiệu quả cho sản xuất trong nước.