Khu Công nghiệp Phúc Yên, Vĩnh Phúc. Ảnh: KC
Trong tình hình khó khăn chung của cả nước, Vĩnh Phúc cũng phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Song, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, sâu sát của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, của Tỉnh ủy, sự điều hành quyết liệt, linh hoạt của HĐND, UBND tỉnh cùng với sự nỗ lực cao độ của cả hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, Vĩnh Phúc đã kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh, thực hiện có hiệu quả “Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội”. Năm 2022, kinh tế - xã hội của tỉnh đã có những chuyển biến rõ nét với những kết quả tích cực.
Dự kiến 17/17 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu Nghị quyết HĐND tỉnh đề ra. Quy mô nền kinh tế ước đạt hơn 165,5 nghìn tỷ đồng (trong top 15 tỉnh có quy mô cao nhất cả nước). Tốc độ tăng trưởng kinh tế ước đạt từ 9,2 - 9,8%, là mức cao nhất từ năm 2014 đến nay, cao hơn bình quân chung cả nước. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, đúng định hướng, tỷ trọng công nghiệp - xây dựng chiếm khoảng 64,2%; nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm gần 6,6%; dịch vụ chiếm 29,2%. Tổng thu ngân sách ước đạt 35.700 tỷ đồng, tăng 8,5% so với năm 2021 và cao nhất từ trước nay, trong đó thu nội địa đạt 30.000 tỷ đồng, tăng 6,2%.
Năm 2022, Vĩnh Phúc thu hút được 453 triệu USD vốn đầu tư nước ngoài (FDI), bằng 100,6% kế hoạch năm; về thu hút vốn đầu tư trong nước (DDI), toàn tỉnh dự kiến thu hút đạt 12.500 tỷ đồng, bằng 57% so với cùng kỳ năm 2021, vượt mục tiêu kế hoạch đề ra. Lũy kế đến hết năm 2022, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc có 1.286 dự án, trong đó: 450 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 7,41 tỷ USD và 828 dự án DDI với tổng vốn đầu tư 125 nghìn tỷ đồng.
Sản xuất công nghiệp năm 2022 có nhiều khởi sắc do tình hình dịch trên địa bàn đã được kiểm soát tốt từ quý II; tổng giá trị sản xuất ngành công nghiệp ước tăng khoảng 15,5%, riêng ngành chế biến, chế tạo ước tăng 15,6% so với năm 2021. Một số sản phẩm chủ lực của tỉnh tăng so với năm 2021, đặc biệt doanh thu linh kiện điện tử tăng 24,36%, xe máy các loại tăng 11,02%, quần áo các loại tăng 7,21%, gạch ốp lát các loại tăng 6,01%, riêng ô tô các loại giảm 2,3% (do ảnh hưởng thiếu linh kiện sản xuất...).
Các lĩnh vực văn hóa - xã hội tiếp tục được quan tâm, đạt những kết quả đáng khích lệ. Tổng số lượt khách du lịch đến Vĩnh Phúc ước đạt 8,2 triệu lượt, tăng hơn 4 lần so với năm 2021. Năm 2022, Khu du lịch Tam Đảo trở thành Khu du lịch Quốc gia thứ 7 của Việt Nam và được Tổ chức World Travel Awards vinh danh là thị trấn du lịch hàng đầu thế giới năm 2022./.