Sự khởi sắc của 2 nhóm ngành quan trọng giúp VN Index duy trì được sắc xanh trong toàn bộ thời gian giao dịch. Nhóm cổ phiếu ngân hàng có tới 18 mã tăng giá, trong khi chỉ có 4 mã giảm giá rất nhẹ. Nhóm cổ phiếu dầu khí cũng chỉ có 2 mã giảm giá, trong khi có 8 mã tăng giá.
Ở nhóm cổ phiếu bất động sản, dù chịu áp lực bán chốt lời từ bên nắm giữ, nhưng lực cầu vào nhóm ngành này không có dấu hiệu “hụt hơi”, thậm chí dòng tiền từ bên mua còn đẩy nhiều mã tăng trần và sát trần như: QCG, PTL, NBB, DIG, DXG, DXS. Các mã vốn hóa trụ cột như VHM tăng 2%, KDH tăng 2,5%, VRE tăng 0,7%...
Sức hút của bất động sản còn được thể hiện qua thanh khoản của một số mã như: DIG, DXG và NVL. Đây là 3 mã dẫn đầu về khối lượng khớp lệnh trên sàn HOSE, với tổng khối lượng đạt gần 109 triệu đơn vị.
Sắc xanh cũng chiếm ưu thế ở nhóm cổ phiếu hóa chất, thép, cao su... Trong rổ cổ phiếu VN30 có 19 mã tăng giá, trong khi có 8 mã giảm giá và 3 mã đứng giá.
Kết phiên giao dịch ngày 22/6, VN-Index tăng 6,84 điểm lên 1.125,3 điểm, mức cao nhất trong gần 9 tháng. Khối lượng giao dịch đạt hơn 919,3 triệu cổ phiếu, tương ứng hơn 18.635,3 tỷ đồng. Toàn sàn có 314 mã tăng giá, 114 mã giảm giá và 63 mã đứng giá.
Tính từ thời điểm cuối tháng 4, chỉ số chính của thị trường chứng khoán Việt Nam đã tăng gần 9%, vốn hóa sàn HoSE theo đó tăng thêm gần 340.000 tỷ đồng, đạt 4,5 triệu tỷ đồng. Dù chỉ tăng 0,61% nhưng VN-Index vẫn là chỉ số chứng khoán tăng mạnh nhất Châu Á ngày 22/6. Thậm chí, chứng khoán Việt Nam còn đi ngược xu hướng điều chỉnh của hầu hết các thị trường lớn trong khu vực.
HNX-Index tăng 0,14 điểm lên 231,91 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 113,6 triệu đơn vị, tương ứng hơn 1.969,7 tỷ đồng. Toàn sàn có 99 mã tăng giá, 86 mã giảm giá và 68 mã đứng giá. UPCOM-Index tăng 0,05 điểm lên 85,5 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 80,7 triệu đơn vị, tương ứng hơn 1.212 tỷ đồng. Toàn sàn có 189 mã tăng giá, 107 mã giảm giá và 86 mã đứng giá. Khối ngoại hôm nay bán ròng khá mạnh dù thị trường đi lên, với 415,7 tỷ đồng trên HOSE và 35,64 tỷ đồng trên UPCOM, trong khi chỉ mua ròng 22,49 tỷ đồng trên HNX.
Thị trường chứng khoán dần sôi động trở lại trong bối cảnh mặt bằng lãi suất hạ nhiệt đáng kể. NHNN đã 4 lần liên tiếp kể từ trung tuần tháng 3 thực hiện giảm một số lãi suất. Tích cực hơn, mặt bằng lãi suất sẽ có thể hạ xuống trong bối cảnh lạm phát tại nhiều nền kinh tế lớn được kiểm soát và Cục Dự trữ Liên bang (Mỹ) cũng như các Ngân hàng sẽ bớt thắt chặt chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát áp lực giá cả.
Điều này giúp kênh chứng khoán trở nên hấp dẫn hơn so với các kênh tiết kiệm tiền gửi truyền thống và không loại trừ khả năng một lượng tiền từ tiết kiệm có thể chảy qua chứng khoán. Số lượng tài khoản mở mới vượt mức 100.000 tài khoản sau thời gian dài duy trì thấp cũng phần nào sự tham gia mạnh mẽ hơn của nhà đầu tư.
Không chỉ vậy, mặt bằng lãi suất giảm cũng giúp các công ty chứng khoán có thêm dư địa để giảm lãi suất cho vay margin, từ đó tăng lượng cung tiền vào thị trường nhờ vào đòn bẩy. Pyn Elite Fund trong một báo cáo gần đây đã nhận định lượng margin tại các công ty chứng khoán đã ghi nhận tăng từ 30-40% từ đầu năm và khách hàng cá nhân bắt đầu chuyển từ tiền gửi ngân hàng sang kênh đầu tư chứng khoán.
Tương tự, SGI Capital cho rằng dư nợ margin có thể tăng nhanh hơn khi dòng tiền mới tự tin về xu hướng lãi suất giảm. Quỹ đầu tư này nhận định lãi suất tiền gửi đã hạ trung bình 2-3% và có thể hạ thêm do tín dụng yếu. Do đó, thanh khoản của thị trường chứng khoán sẽ duy trì ở mặt bằng mới và có thể tiếp tục cải thiện.
Thận trọng với áp lực chốt lời ngắn hạn Tuy nhiên, cần lưu ý khi thị trường chứng khoán thời gian qua đang tương đối giằng co. Một số nhóm cổ phiếu tăng mạnh từ đáy rồi gặp áp lực chốt lời ngắn hạn. Đồng thời, định giá thị trường không còn quá hấp dẫn với P/E của VN-Index hiện đã trên 13 lần, cao hơn đáng kể so với thời điểm xuống đáy giữa tháng 11 năm ngoái. Trong bối cảnh kết quả kinh doanh chưa hoàn toàn hồi phục, mức định giá còn có thể tiếp tục tăng cao khi lợi nhuận doanh nghiệp niêm yết xuống thấp. Tăng trưởng tín dụng yếu trong khi tốc độ giải ngân đầu tư công vẫn là một dấu hỏi lớn có thể sẽ ảnh hưởng đến khả năng phục hồi kinh tế trong nước. Những tồn đọng trên thị trường trái phiếu và khó khăn của lĩnh vực bất động sản khó có thể giải quyết dứt điểm trong ngắn hạn. Các chính sách tiền tệ, tài khóa chưa thể có hiệu quả ngay mà cần thời gian để thẩm thấu. Dù vậy, nhận định của các tổ chức nước ngoài lớn cũng cho thấy những kỳ vọng về sự bứt tốc của thị trường Việt Nam thời gian tới. Ông Petri Deryng – nhà quản lý Pyn Elite Fund cho rằng đà tăng của thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ tiếp tục vì các yếu tố tiêu cực đằng sau sự suy giảm của năm ngoái đang bắt đầu giảm bớt. Theo số liệu từ Pyn Elite Fund, khi VN-Index ở đỉnh 1.500 điểm vào đầu năm 2022, tỷ lệ P/S (Giá/Doanh thu) của thị trường là 2 lần. Con số này này hiện chỉ ở mức 1,29 lần. “Ngay cả khi bỏ qua triển vọng tích cực trong vài năm tới và tăng trưởng doanh thu của các công ty niêm yết Việt Nam, tỷ lệ P/S trở lại mức 2 sẽ hoàn toàn hợp lý, đặc biệt khi lãi suất đang giảm và thanh khoản trong thị trường đang cải thiện trở lại”, nhà quản lý Pyn Elite Fund nhấn mạnh. |