Theo đó, sau một thời gian dài nỗ lực đàm phán và qua nhiều quy trình kiểm tra chặt chẽ, lô hàng sầu riêng đầu tiên của Việt Nam đã được xuất khẩu chính ngạch qua Cửa khẩu quốc tế đường bộ số II Kim Thành.
Đây là cửa khẩu thứ 2 của nước ta được phép xuất khẩu sầu riêng chính ngạch sang Trung Quốc, và là lô hàng đầu tiên xuất khẩu sang thị trường vùng tây nam Trung Quốc qua cửa khẩu tỉnh Lào Cai theo nghị định thư được ký kết giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với quả sầu riêng xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc.
Xe container đông lạnh chở sầu riêng xuất khẩu qua cửa khẩu Kim Thành. (bqlkkt.laocai.gov.vn)
Để sầu riêng xuất khẩu được sang thị trường Trung Quốc, phía Trung Quốc yêu cầu phải sản phẩm phải đảm bảo quy trình nghiêm ngặt, như mã vùng trồng, quy trình phòng, chống dịch COVID-19. Sầu riêng tươi xuất khẩu qua cửa khẩu có ý nghĩa đặc biệt trong giai đoạn phía Trung Quốc đang thực hiện chính sách phòng, chống dịch bệnh nghiêm ngặt “Không Covid-19”.
Trước khi thông quan, sầu riêng được cơ quan chức năng tỉnh Lào Cai kiểm tra nguồn gốc truy xuất, mã vùng trồng, tiến hành phun khử khuẩn phòng, chống dịch COVID-19. Cùng với đó, các cơ quan chức năng của tỉnh Lào Cai đã tạo điều kiện trong việc giải quyết thủ tục xuất - nhập khẩu, đảm bảo thông quan nhanh nhất.
Các cán bộ đang thực hiện kiểm dịch thực vật đối với sầu riêng xuất khẩu qua cửa khẩu Kim Thành
Dự kiến thời gian tới, khi chính sách phòng, chống dịch COVID-19 của Trung Quốc được nới lỏng, một số loại trái cây xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, như thanh long, chuối, sầu riêng sẽ thông quan thuận lợi hơn qua Cửa khẩu quốc tế đường bộ số II Kim Thành.
Trung Quốc là thị trường nhập khẩu sầu riêng rất lớn khi mỗi năm chi hơn 4 tỷ USD để nhập khẩu loại trái cây này. Với nhiều lợi thế, cộng thêm được cấp phép xuất khẩu chính ngạch, sầu riêng Việt Nam đang quay lại chinh phục thị trường sầu riêng lớn nhất thế giới.
Hiện Trung Quốc mới chỉ chấp nhận cho Việt Nam xuất khẩu chính ngạch vùng trồng hơn 3.000 hecta, quá nhỏ so với tổng diện tích hơn 90.000 hecta. Tiềm năng xuất khẩu sầu riêng Việt Nam còn rất lớn nếu đáp ứng các yêu cầu của thị trường không còn dễ tính Trung Quốc.