Xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ gặp khó, doanh nghiệp mong muốn có những giải pháp kịp thời

11/08/2023 11:31

Sau nhiều năm liên tục tăng trưởng nhanh, 7 tháng của năm 2023, giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ cả nước giảm sâu. Để giá trị xuất khẩu năm 2023 đạt 17 tỷ USD theo kế hoạch, các hiệp hội, doanh nghiệp mong muốn có những giải pháp kịp thời.

Theo Cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2022, ngành chế biến gỗ và lâm sản Việt Nam đạt giá trị xuất khẩu trên 17 tỷ USD. Con số ấn tượng này đã đưa Việt Nam trở thành quốc gia đứng thứ 2 châu Á, và thứ 5 thế giới về xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ.

Tuy nhiên, 7 tháng của năm 2023, do ảnh hưởng của các cuộc xung đột trên thế giới, lạm phát toàn cầu tăng cao, các thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ chính của Việt Nam tiếp tục thắt chặt. Do đó, giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ chỉ đạt 7,8 tỷ USD, chiếm khoảng 45% kế hoạch năm 2023, giảm 25,5% so với cùng kỳ.

go-1691721304-1691728044.jpeg

Doanh nghiệp chế biến gỗ mong muốn có những giải pháp kịp thời để tháo gỡ khó khăn - Ảnh minh họa.

Theo ông Nguyễn Liêm, Chủ tịch Hiệp hội chế biến gỗ Bình Dương, nhiều năm qua, Bình Dương được mệnh danh là “thủ phủ” ngành chế biến gỗ với doanh số xuất khẩu đạt 40 - 45% cả nước. Năm nay, Bình Dương đang lo ngại doanh số xuất khẩu không đạt khi thị trường chưa có dấu hiệu phục hồi. Các doanh nghiệp vẫn đang nỗ lực tìm kiếm đơn hàng.

Ông Liêm cho hay, ngành gỗ tỉnh Bình Dương đã vận dụng các cơ hội xúc tiến thương mại, giao thương bằng cách tổ chức các hội chợ trong nước, tham gia các hội chợ nước ngoài, đặc biệt là tận dụng những thị trường mà lâu nay ngành gỗ không xâm nhập như Trung Đông. Từ đó sẽ có những đơn hàng, tuy không lớn nhưng đủ để các doanh nghiệp chống chịu trong thời gian này.

Theo hiệp hội gỗ chế biến gỗ các địa phương và doanh nghiệp, trước tình hình như hiện nay rất khó để đoán trước được thị trường xuất khẩu liệu có "ấm" trở lại. Để tăng giá trị xuất khẩu gỗ, đạt mục tiêu đề ra là 17 tỷ USD trong năm 2023 thì cần có sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng trong việc kết nối giao thương, mở rộng thị trường. 

Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết, hiện các doanh nghiệp ngành gỗ Việt Nam xuất khẩu sản phẩm đến 150 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Hiện nay, yếu tố thị trường là sự quan tâm nhất của ngành gỗ, do đó Hiệp hội đang đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ thông qua việc tổ chức rất nhiều sự kiện, hội chợ để tạo ra môi trường, khả năng tiếp cận thị trường nhằm tăng năng lực bán hàng cho doanh nghiệp.

Theo ông Lập, để nâng cao năng lực cạnh tranh thì ngành gỗ đang tập trung giải quyết vấn đề giải pháp và công nghệ. Vấn đề kỹ thuật và công nghệ là then chốt để nâng cao thương hiệu ngành gỗ, cải thiện năng suất, nâng cao quản trị, nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trong điều kiện thị trường như hiện tại để thúc đẩy ngành gỗ phát triển bền vững.

Chia sẻ những khó khăn của ngành gỗ, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Quốc Trị đề nghị Cục Lâm nghiệp nghiên cứu, đề xuất hỗ trợ về đổi mới công nghệ, thuế và tín dụng cho các làng nghề dừng sử dụng gỗ nguyên liệu nhập khẩu từ các thị trường rủi ro. Chính sách mua sắm công ưu tiên sử dụng sản phẩm đồ gỗ nội thất được chế biến từ gỗ rừng trồng có chứng chỉ quản lý rừng bền vững, gỗ hợp pháp; hoàn thiện hệ thống pháp luật, kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc gỗ nguyên liệu.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ đẩy mạnh công tác phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan kịp thời tháo gỡ những khó khăn cho các doanh nghiệp chế biến gỗ và xuất khẩu lâm sản.

Thứ trưởng kêu gọi các hiệp hội, doanh nghiệp ngành gỗ tiếp tục duy trì sự đoàn kết, hỗ trợ, giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn. Doanh nghiệp nên nghiên cứu phối hợp xây dựng các cửa hàng tại các nước xuất khẩu. 

Các chuyên gia cho rằng, về lâu dài, các doanh nghiệp cần tập trung đầu tư, đổi mới về công nghệ để đáp ứng các tiêu chuẩn ngày càng cao của các thị trường, chuẩn bị kỹ về thị trường và pháp lý để hạn chế các rủi ro về tranh chấp, phòng vệ thương mại, bảo đảm nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa, mã số vùng trồng hợp pháp…

Bên cạnh đó, các cơ quan đại diện tiếp tục nỗ lực hỗ trợ ngành gỗ mở rộng, đa dạng hóa thị trường, nhất là các thị trường tiềm năng và còn dư địa như Ấn Độ, Đông Âu, Trung Đông; phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp nâng cao hiệu quả phòng ngừa, giải quyết thỏa đáng các tranh chấp và phòng vệ thương mại, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của các doanh nghiệp Việt Nam.

 

Bạn đang đọc bài viết "Xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ gặp khó, doanh nghiệp mong muốn có những giải pháp kịp thời" tại chuyên mục Kinh doanh. Mọi thông tin xin gọi hotline (0896.530.666) hoặc email (doanhnghiepvadoisong@gmail.com).