Hiện nay, thịt và sản phẩm thịt của Việt Nam được xuất khẩu chủ yếu sang các nước thuộc khu vực châu Á, trong đó xuất khẩu sang thị trường Hồng Kông là nhiều nhất, chiếm 44,04% về lượng và chiếm 64,84% về trị giá trong tổng xuất khẩu thịt và các sản phẩm thịt của cả nước, với gần 2,57 nghìn tấn, trị giá 16,61 triệu USD, tăng 79,8% về lượng và tăng 102% về trị giá so với quý I/2022.
Ảnh minh họa.
Các chủng loại thịt và các sản phẩm từ thịt xuất khẩu chủ yếu trong quý I là: Chân gà đông lạnh; Thịt heo sữa nguyên con đông lạnh; Thịt ếch đông lạnh; Thịt heo nguyên con đông lạnh; Thịt heo, tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh… Đáng chú ý, trừ thịt ếch đông lạnh, xuất khẩu các chủng loại thịt và các sản phẩm từ thịt trên đều tăng trưởng tốt.
Thống kê cho thấy, xuất khẩu thịt và các sản phẩm từ thịt quý I/2023 của Việt Nam tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, lượng thịt heo xuất khẩu của Việt Nam vẫn còn đang quá nhỏ so với tổng sản lượng sản xuất.
Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, cán cân thương mại dự báo tiếp tục được cải thiện, tuy nhiên xuất khẩu sẽ đối mặt với nhiều thách thức chung của các thị trường đối tác. Trong khi đó, nhu cầu thị trường trong nước tăng không cao, lạm phát có xu hướng tăng ảnh hưởng đến hồi phục và phát triển kinh tế.
Trước tình trạng này, đòi hỏi các bộ, ngành và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cần có giải pháp ứng phó kịp thời. Việt Nam phải đồng thời đáp ứng được những yêu cầu của Tổ chức Thú y thế giới (OIE) và các quy định thị trường mà chúng ta hướng tới. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh việc xây dựng cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh làm cơ sở bảo đảm nguồn cung thực phẩm và phục vụ xuất khẩu.