Cụ thể, Trung tâm Khuyến công và xúc tiến thương mại Bắc Giang (Sở Công Thương Bắc Giang) cho biết, sau 2 đợt phê duyệt hồ sơ, đến nay, 201 thương nhân Trung Quốc đã đăng ký nhập cảnh vào Việt Nam và đến Bắc Giang giám sát vùng nguyên liệu, ký kết các hợp đồng thu mua vải thiều.
Danh sách các thương nhân Trung Quốc đã được Công an tỉnh Bắc Giang gửi đến Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an) để làm các thủ tục cấp phép nhập cảnh. Theo dự kiến, cuối tháng 5, các thương nhân Trung Quốc sẽ bắt đầu nhập cảnh sang Bắc Giang để tham gia tiêu thụ vải thiều chín sớm.
Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang Trần Quang Tấn cho biết, năm nay, thời tiết thuận lợi, các trà vải trên địa bàn tỉnh sinh trưởng, phát triển tốt, dự báo sản lượng vải toàn tỉnh năm 2023 trên 180.000 tấn (sản lượng vải sớm khoảng 60.000 tấn; vải chính vụ 120.000 tấn). “Trong đó, vải dự kiến xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ với 17 mã số vùng trồng (được Hoa Kỳ cấp mã số IRADS), diện tích là 205 ha, sản lượng đạt 1.500 tấn. Thời gian thu hoạch vải thiều sớm dự kiến từ ngày 20/5, vải thiều chính vụ thu hoạch từ ngày 10/6 đến ngày 30/7/2023”, ông Tấn thông tin.
Về sản xuất và tiêu thụ vải thiều, tỉnh Bắc Giang nhất quán và xuyên suốt từ chính quyền đến người trồng vải thiều lấy chất lượng vượt trội, đặc trưng riêng có; bảo đảm an toàn thực phẩm, truy xuất được nguồn gốc làm chỗ đứng bền vững ở thị trường trong và ngoài nước.
Ảnh minh hoạ.
Năm 2023, công tác xúc tiến thương mại, tiêu thụ vải thiều có điểm đổi mới, thay vì tổ chức nhiều hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại ở nhiều tỉnh, thành phố, Sở Công thương Bắc Giang sẽ chuyển sang kết nối trực tiếp cho các nhà vườn, hợp tác xã với doanh nghiệp ký kết hợp đồng thu mua, tiêu thụ vải. Đến nay, Trung tâm Khuyến công và xúc tiến thương mại Bắc Giang đã ký kết 34 biên bản thỏa thuận hợp tác đối với các chợ đầu mối nông sản, sàn giao dịch thương mại điện tử, các chuỗi siêu thị, doanh nghiệp để tiêu thụ khoảng 110.000 tấn vải.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Giang, qua rà soát đến thời điểm này, toàn tỉnh đã có 110 mã số vùng trồng với 16.034 ha và 215 cơ sở đủ điều kiện đóng gói quả vải tươi xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
Bắc Giang cũng đang đề nghị cấp bổ sung 13 mã số vùng trồng, diện tích 575 ha, nâng tổng số diện tích trồng vải thiều xuất khẩu Trung Quốc lên 16.609 ha, sản lượng ước đạt 110.000 tấn.
Bên cạnh đó, để việc xuất khẩu vải thiều vào thị trường Hoa Kỳ được thuận lợi, tỉnh Bắc Giang đề nghị các đơn vị liên quan của Bộ Công Thương tiếp tục quan tâm và có những định hướng giúp tỉnh Bắc Giang trong các hoạt động xúc tiến tiêu thụ vải thiều và mặt hàng có thế mạnh của tỉnh Bắc Giang ở thị trường Hoa Kỳ; hỗ trợ thông tin về thị trường, chính sách xuất nhập khẩu, quy trình thủ tục, chứng nhận chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm… và các hàng rào kỹ thuật của thị trường châu Âu, châu Mỹ.
Mùa vải năm nay đến muộn
Năm nay, do ảnh hưởng của thời tiết và bệnh hại trên cây vải nên các vùng trồng sẽ bước vào vụ thu hoạch muộn hơn. Vùng trồng giống vải lai chín sớm của huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên sẽ là nơi đầu tiên ở miền Bắc bước vào thu hoạch kể từ ngày 25/5. Thời gian thu hoạch sẽ chậm hơn 1 tuần, bù lại quả đều và đẹp mã, sản lượng tăng gấp đôi so với năm 2022.
Còn tại vùng vải Thanh Hà, Hải Dương, tới đầu tháng 6, vụ vải sớm mới cho thu quả. Sản lượng giảm do nhiều nhà vườn gặp dịch bệnh, quả rụng tới hơn 50%, giá bán dự kiến cũng cao hơn năm ngoái.
Năm nay, Bắc Giang sẽ đón một vụ vải muộn, chậm hơn 2 tuần so với hàng năm. Chính vụ vải thiều Lục Ngạn sẽ rơi vào cuối tháng 6. 60% sản lượng sẽ được tiêu thụ theo đường xuất khẩu./.