Ba Bể là huyện miền núi của tỉnh Bắc Kạn, có diện tích tự nhiên trên 68 nghìn ha. Ba Bể có nhiều đặc thù, có thảm thực vật đa dạng với nhiều loại đặc sản quý nổi tiếng như: Mướp đắng rừng, rau ngót rừng, rau dớn, rau bồ khai, bí xanh thơm, chuối tây… Trong đó, bí xanh thơm là một loại bí đặc sản bản địa đã trở thành thương hiệu riêng của huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn.
Trong khuôn khổ sự kiện quảng bá, tiêu thụ bí xanh thơm và du lịch hồ Ba Bể năm 2023, sáng 09/7, tại cánh đồng thôn Khuổi Luồm, xã Yến Dương, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn diễn ra “Ngày hội Bí xanh thơm Ba Bể”, với sự tham gia của NSND Tự Long, NSƯT Xuân Bắc cùng nhiều nghệ sĩ nổi tiếng.
Theo ghi nhận, ngay từ sáng sớm, rất đông người dân và du khách đã nô nức đến ruộng bí xanh thơm thuộc thôn Khuổi Luồm, xã Yến Dương để dự ngày hội quảng bá loại nông sản đặc sản nổi tiếng của huyện Ba Bể.
Bắc Kạn tổ chức “Ngày hội Bí xanh thơm Ba Bể” năm 2023. (Ảnh: Báo Bắc Kạn)
Mở đầu là chương trình văn nghệ với nhiều tiết mục đặc sắc, đậm đà bản sắc dân tộc như: Múa "Tiếng tính quê hương", tốp then "Bên Sông Cầu em hát câu then", Múa bát, tốp then "Ba Bể pé tiên"...
Khoảng 9h05', phần live stream bán bí xanh giúp người dân của 2 Nghệ sĩ Xuân Bắc và Nghệ sĩ Tự Long diễn ra rất sôi động, thu hút sự tham gia của hàng chục nghìn người trên nhiều nền tảng.
Hai nghệ sĩ giúp người dân Ba Bể quảng bá, bán bí xanh thơm. (Ảnh: Báo Bắc Kạn)
Theo thống kê sơ bộ của Ban Tổ chức, trong hơn 2 giờ live stream, các nghệ sĩ đã bán được gần 10.000 đơn Bí xanh thơm Ba Bể, trong đó có những đơn mua 500kg bí. Người dân địa phương và các HTX kinh doanh bí xanh thơm và các sản phẩm từ bí rất phấn khởi.
Bên cạnh sân khấu còn diễn ra các trò chơi đặc sắc như: trò chơi chế biến món ăn từ bí dành cho đối tượng là người nội trợ, đầu bếp, du khách tham gia; trò chơi cắt tỉa, tạo hình nghệ thuật trên bí dành cho người nội trợ, đầu bếp; trò chơi tung và chuyền bí dành cho đối tượng là các cặp đôi...
Những người nội trợ, đầu bếp tham gia cắt tỉa, tạo hình nghệ thuật trên bí. (Ảnh: Báo Bắc Kạn)
Được biết, vụ Xuân năm nay, Hợp tác xã (HTX) Yến Dương tiếp tục liên kết với các hộ dân trồng trên 10ha bí xanh thơm theo tiêu chuẩn hữu cơ. Sản phẩm bí xanh thơm của HTX Thanh Đức, xã Địa Linh đã được Chi cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản tỉnh cấp giấy chứng nhận VietGAP.
Rất đông người dân và du khách đã nô nức đến ruộng bí xanh thơm thuộc thôn Khuổi Luồm, xã Yến Dương để dự ngày hội quảng bá loại nông sản đặc sản nổi tiếng của huyện Ba Bể. (Ảnh: Báo Bắc Kạn)
Hiện, bí xanh thơm Ba Bể và các sản phẩm từ bí xanh thơm đã có mặt tại các trung tâm thương mại lớn, hệ thống siêu thị bán lẻ tại Hà Nội, Quảng Ninh và TP. Hồ Chí Minh.
Phát biểu tại sự kiện, ông Lưu Quốc Trung, Chủ tịch UBND huyện Ba Bể nêu bật những nét độc đáo, giá trị của bí xanh thơm Ba Bể, những sản phẩm chế biến từ loại quả đặc sản này. Lãnh đạo huyện mong muốn các nghệ sĩ tiếp tục đồng hành cùng người dân Ba Bể trong việc quảng bá, tiêu thụ bí xanh thơm Ba Bể, các sản vật và du lịch Ba Bể.
Sự kiện lần này tổ chức nhằm kết nối giao thương, giúp huyện Ba Bể giới thiệu, quảng bá sản phẩm nông sản, đặc sản của địa phương, đặc biệt là sản phẩm bí xanh thơm Ba Bể và du lịch Hồ Ba Bể đến các tổ chức, cá nhân trong nước và bạn bè quốc tế.
Giống bí xanh thơm được người dân Ba Bể trồng từ rất lâu và đã phát triển thành giống bí đặc sản bản địa của huyện với hương vị thơm đặc trưng. Bí thơm trồng tại huyện Ba Bể được biết đến với đặc điểm quý là tất cả thân, lá, hoa, quả đều có mùi thơm. Vỏ bí cứng dày nên bảo quản được rất lâu. Bí xanh thơm được sử dụng để chế biến các món ăn, làm nước uống giải nhiệt, làm đẹp...
Thời gian từ khi trồng đến khi thu hoạch chỉ khoảng 120 ngày, trọng lượng trung bình thường dao động 1,5 - trên 2,5 kg/quả, năng suất đạt 30 - 40 tấn/ha. Bí xanh thơm đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con nông dân tại huyện Ba Bể. Một ha trồng bí xanh thơm có thể đem lại hiệu quả kinh tế đến 200 triệu đồng.