Toàn tỉnh Đắk Lắk hiện có gần 2.600 ha vải, trong đó khoảng 1.400 ha đang trong giai đoạn thu hoạch, được trồng chủ yếu ở các huyện Ea Kar, M’Đrắk, Krông Pắk và Krông Năng. Sản lượng niên vụ 2022 – 2023 này ước đạt 14.000 tấn quả.
Hiện, các nhà vườn trồng vải thiều (giống Lục Ngạn - Bắc Giang) ở Đắk Lắk đang thu hái và bán vải loại I đạt 32.000 – 35.000 đồng/kg, loại II cũng trên 25.000 đồng/kg. Đây là mức giá khá tốt trong bối cảnh giá nhiều mặt hàng trái cây ở Đắk Lắk như xoài, cam, dưa hấu… tương đối thấp. Ngoài việc được giá, năm nay cây vải cũng đạt năng suất cao với khoảng 12 – 15 tấn quả/ha.
Theo tìm hiểu tại gia đình anh Lương Đình Hùng, xã Ea Ô, huyện Ea Kar cho thấy, trước đây gia đình anh Hùng trồng cây quýt song đạt hiệu quả không cao. Năm 2012, gia đình anh Hùng mạnh dạn chuyển đổi, trồng chuyên canh 600 cây vải u hồng trên diện tích 2 ha của gia đình. Do phù hợp thổ nhưỡng, sau 3 năm chăm sóc, cây vải cho thu bói.
Đến nay, vườn vải của gia đình anh Hùng đã cho thu hoạch ổn định, năng suất tăng dần theo từng năm. Năm 2022, gia đình anh Hùng thu được 30 tấn vải. Dự kiến, năm 2023 thu được khoảng 40 - 50 tấn vải. Với giá bán từ 30.000 - 35.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, gia đình anh Hùng lãi hơn 1 tỷ đồng.
Còn gia đình ông Nguyễn Xuân Toàn (cùng trú xã Ea Ô, huyện Ea Kar) từ tỉnh Nghệ An vào tỉnh Đắk Lắk lập nghiệp hơn 20 năm nay. Tương tự gia đình anh Hùng, trong nhiều năm, gia đình ông Toàn loay hoay lựa chọn cây trồng phù hợp để phát triển kinh tế. Năm 2017, gia đình ông Toàn chuyển đổi 7 ha trồng cao su sang trồng vải thiều. Năng suất năm 2023 đạt khoảng 40 - 45 tấn vải. Theo ông Toàn, cây vải không kén đất, chăm sóc chỉ cần đủ phân, đủ nước và chú ý bệnh sâu cuống.
Vải thiều ở Đắk Lắk cho vị ngọt thanh, quả to, chín sớm nên giá thu mua cao hơn so với vải chính vụ. Vải thiều được xem là cây “xóa đói giảm nghèo” ở một số địa phương của tỉnh. Xã Ea Hu, huyện Cư Kuin có 18 ha trồng vải đang trong thời kỳ kinh doanh. Cây vải trên địa bàn xã được trồng với kỹ thuật cao, giúp nhiều hộ nông dân thoát nghèo, phát triển kinh tế ổn định. Từ đầu tháng 4/2023, lượng vải thiều sau thu hoạch trên địa bàn xã được các thương lái ở nhiều nơi đến mua, cung không đủ cầu.
Vải thiều ở Đắk Lắk cho vị ngọt thanh, quả to, chín sớm nên giá thu mua cao. Ảnh minh họa
Gia đình ông Hà Văn Quân, thôn 5, xã Ea Hu, huyện Cư Kuin trồng thử nghiệm cây vải khoảng 20 năm nay. Được hỗ trợ vốn vay 50 triệu đồng của Ngân hàng Chính sách xã hội, năm 2020, gia đình ông trồng 2 ha vải u hồng. Năm nay, gia đình ông thu được 20 tấn vải, lãi 500 triệu đồng. Gia đình ông hiện đã thoát nghèo, chú trọng chăm sóc vườn vải để phát triển kinh tế ổn định. Theo ông Quân, cây vải cần chi phí đầu tư ít, lãi nhiều hơn trồng cây cà phê. Nếu chăm sóc tốt, sau khi trồng khoảng 24 tháng, cây vải sẽ cho thu bói, sau 36 tháng sẽ cho thu hoạch ổn định.
Hiện nay, người dân Đắk Lắk trồng chủ yếu 3 loại giống vải là u hồng, u thâm và u trứng. Giống được nhập chủ yếu từ các tỉnh Bắc Giang, Hải Dương, Quảng Ninh. Sản phẩm vải thiều Đắk Lắk chủ yếu được tiêu thụ trong nước và xuất khẩu chính ngạch sang một số thị trường như Nhật Bản, Trung Quốc, tuy nhiên số lượng xuất khẩu còn ít.
Ông Lê Văn Thành, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật tỉnh Đắk Lắk đánh giá, cây vải giống Lục Ngạn – Bắc Giang trồng tương đối phù hợp với chất đất sỏi pha cát ở các huyện phía Nam và Đông Nam của tỉnh Đắk Lắk. Mỗi ha vải ở đây cho thu trên 10 tấn quả, với chất lượng thơm, ngọt, nhiều nước và dày cùi.
Ông Lê Văn Thành, cho biết chi cục đang tích cực hỗ trợ bà con mở rộng diện tích vải trên phần đất phù hợp, tiến hành thành lập HTX và cấp mã vùng trồng để có thể xuất khẩu vải ra thị trường nước ngoài.
“Chúng tôi đánh giá là năng suất, sản lượng, chất lượng của quả vải tương đối tốt, phục vụ việc tái cơ cấu trong lĩnh vực nông nghiệp, thì chúng tôi hướng dẫn, tuyên truyền, hỗ trợ bà con nên chuyển đổi một số diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng loại cây trồng khác trong đó có cây vải. Phối hợp với địa phương xúc tiến thương mại kêu gọi các doanh nghiệp về cùng với nông dân thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã để gắn kết chuỗi thu mua, tiêu thụ; triển khai cấp mã số vùng trồng tiến tới xuất khẩu”, ông Lê Văn Thành nói./.
Để phát triển cây vải ổn định, huyện Ea Kar đã thành lập 1 hợp tác xã chuyên sản xuất cung ứng giống cây vải thiều, 1 hợp tác xã nông nghiệp và 2 tổ hợp tác chuyên sản xuất vải thiều. Đồng thời, huyện đã hình thành vùng sản xuất vải thiều theo quy trình VietGAP và được cấp chứng nhận với quy mô 78,5 ha; đề xuất gắn 4 mã số vùng trồng với diện tích 48,5 ha. Ngoài ra, huyện đã lập hồ sơ đăng ký nhãn hiệu tập thể ”Vải thiều Ea Kar”.
Tuy nhiên, trong sản xuất vải thiều trên địa bàn huyện còn gặp một số khó khăn như: diện tích trồng vải manh mún, nhỏ lẻ, khó khăn trong việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật và ứng dụng cơ giới hoá. Nguồn nước tưới phục vụ phát triển cây vải tại một số địa bàn gặp khó khăn. Diện tích vải được tổ chức sản xuất theo các tiêu chuẩn chất lượng còn ít, chưa được gắn mã số vùng trồng, chưa đáp ứng được các thị trường trong nước cũng như xuất khẩu; thiếu các cơ sở bảo quản đủ tiêu chuẩn để lưu trữ sản phẩm.
Để quả vải đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu, ngành nông nghiệp tăng cường hỗ trợ các địa phương trong công tác cấp mã số vùng trồng để truy xuất nguồn gốc. Đến nay, toàn tỉnh có 9 vùng trồng vải với tổng diện tích 110 ha tại huyện Krông Năng đã được cấp mã số phục vụ xuất khẩu sang Trung Quốc. Ngoài ra, ngành nông nghiệp tăng cường tuyên truyền, tập huấn cho nông dân để sản xuất theo các tiêu chuẩn chất lượng; xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ vải thiều.