Dân vận khéo trong công tác giảm nghèo vùng dân tộc thiểu số

21/11/2022 14:07

Thời gian qua, phong trào dân vận khéo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) đóng vai trò quan trọng trong công tác giảm nghèo, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân.

Thời gian qua, phong trào dân vận khéo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) đóng vai trò quan trọng trong công tác giảm nghèo, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân.

Xác định tầm quan trọng đó, thời gian qua, cấp ủy Đảng, chính quyền tỉnh Hà Giang đã phát huy tốt vai trò lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả phong trào dân vận khéo, nhất là đối với công tác giảm nghèo trong vùng đồng bào DTTS. Các cấp, các ngành, các địa phương vùng DTTS trong tỉnh đã đưa phong trào dân vận khéo vào lĩnh vực phát triển kinh tế, làm cấu nối khu vực kinh tế tập thể, HTX với cấp ủy, chính quyền. Thường xuyên bám sát địa bàn, vận động nhân dân thay đổi thói quen canh tác, hướng dẫn cho các HTX áp dụng quy trình sản xuất, tạo ra những sản phẩm an toàn cho sức khỏe con người, gia tăng giá trị sản phẩm, thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững.

Đổi mới vùng đồng bào DTTS

Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Trần Mạnh Lợi cho biết, tỉnh Hà Giang có 19 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó đồng bào DTTS chiếm trên 87%. Thực hiện công tác dân vận, cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở tập trung thực hiện hiệu quả các chương trình, chính sách đối với đồng bào DTTS, giải quyết cơ bản những khó khăn về đời sống, sản xuất, đặc biệt là việc giảm hộ nghèo nhanh và bền vững. Qua đó, góp phần ổn định kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

hg1-1669004596-1669014292.jpeg

“Dân vận khéo” ở vùng đồng bào DTTS đóng vai trò quan trọng trong công tác giảm nghèo, góp phần phát triển kinh tế - xã hội

Nhiều địa phương đã thực hiện chủ trương “dồn điền, đổi thửa”, xuất hiện nhiều cách làm “Dân vận khéo điển hình” “Dân vận khéo trong dồn đổi ruộng đất”, được người dân đồng tình, hưởng ứng, yên tâm, mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất. Đã hình thành một số mô hình HTX sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, tập trung mang lại hiệu quả kinh tế cao trên các lĩnh vực như lúa, rau, chè, cây có múi... tạo vùng nguyên liệu thu hút các doanh nghiệp liên kết sản xuất theo chuỗi khép kín và bao tiêu, tiêu thụ sản phẩm cho HTX. Các cấp, các ngành, các địa phương đã đưa phong trào dân vận khéo vào lĩnh vực phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững làm cấu nối khu vực kinh tế tập thể, HTX với cấp ủy, chính quyền.

Vận động nhân dân thay đổi thói quen canh tác, hướng dẫn cho các HTX áp dụng quy trình sản xuất chuyển dần sang hướng hữu cơ, tạo ra những sản phẩm an toàn cho sức khỏe con người, phù hợp xu thế phát triển của xã hội và tạo ra những sản phẩm hàng hóa đảm bảo chất lượng, đủ điều kiện tham gia vào các chuỗi giá trị. Công tác tư vấn, hỗ trợ luôn hướng tới mục tiêu các mô hình HTX được tư vấn, xây dựng phải phù hợp với đặc điểm đất đai, vùng nguyên liệu, điều kiện của người dân mỗi địa phương gắn với các chương trình mỗi xã một sản phẩm đặc trưng và phát triển cây, con chủ lực của tỉnh.

Đến nay, trên địa bàn tỉnh có nhiều mô hình HTX được xây dựng thành những mô hình HTX điểm, tiêu biểu để nhân rộng như: HTX Đồng Nhất, HTX thổ cẩm Cán Tỷ, HTX Lanh Trắng xã Sà Phìn, HTX dệt lanh Lùng Tám… là những mô hình tiêu biểu ở Hà Giang đang thu hút đông đảo đồng bào DTTS tham gia phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững. “Mục tiêu của tỉnh Hà Giang trong những năm tới là phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế vùng DTTS bình quân đạt trên 8%/năm, tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào DTTS giảm bình quân 4%/năm trở lên, các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn giảm trên 6%/năm, hạn chế thấp nhất tình trạng tái nghèo và phát sinh nghèo mới”, ông Trần Mạnh Lợi cho hay.

Dân vận khéo, góp phần tích cực phát triển HTX

Tại huyện Hoàng Su Phì, thực hiện dân vận khéo trong xóa đói, giảm nghèo, huyện đã xây dựng kế hoạch cụ thể, phổ biến các chính sách hỗ trợ tới người dân. Đồng thời, tuyên truyền nâng cao trách nhiệm người dân trong xây dựng, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc gắn với phát triển kinh tế tập thể, HTX.

hg2-1669004655-1669014329.jpeg

Nhân rộng các mô hình HTX hoạt động hiệu quả, giúp nâng cao năng lực, thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo

Đẩy mạnh phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu giống, vật nuôi, sản xuất lúa chất lượng cao, hình thành nhiều mô hình kinh tế, sản phẩm có giá trị đưa ra thị trường. Cùng với đó, phối hợp với Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể các xã, thị trấn thực hiện phong trào thi đua yêu nước, triển khai Cuộc vận động “Ngày vì người nghèo”; “Toàn dân đoàn kết xây dựng Nông thôn mới, đô thị văn minh”; “Xung kích phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ tổ quốc”; “Đồng hành cùng thanh niên lập thân, lập nghiệp”… Qua đó, khích lệ, động viên người dân phát huy tinh thần đoàn kết, cùng nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, vươn lên làm giàu chính đáng.

Đồng thời, huyện đã đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo” tại 23 xã, thị trấn giúp các hộ nghèo phát triển kinh tế. Đến nay, tổng giá trị sản xuất đạt 1.416 tỷ đồng, tổng sản lượng lương thực có hạt toàn huyện đạt 39 nghìn tấn, thu nhập bình quân đầu người đạt 24,5 triệu đồng, 39 HTX đang hoạt động, giải quyết việc làm thường xuyên cho gần 4.000 lao động.

Được thành lập năm 2013, với 20 thành viên, HTX Thương mại, Dịch vụ và Chế biến nông, lâm sản Hoàng Su Phì, xã Tân Tiến hoạt động với mục tiêu liên kết các thành viên, hình thành mạng lưới sản xuất, tiếp nhận và chuyển giao các tiến bộ khoa học, kỹ thuật nhằm hỗ trợ sản xuất, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người nông dân, giúp giảm nghèo bền vững. HTX được trang bị các loại máy móc hiện đại phục vụ sản xuất, chế biến, điển hình là hệ thống lò hơi phục vụ sấy các sản phẩm nông sản, với công suất bình quân 5 tấn/ngày.

Ông Triệu Văn Mềnh, Giám đốc HTX, cho biết: “Hiện tại, HTX đã xây dựng các nhãn hiệu bảo hộ độc quyền cho từng sản phẩm, điển hình như củ cải sấy khô, mật ong hốc, chè Shan Tuyết… bảo đảm tư cách pháp lý, uy tín trên thị trường”. HTX đang tạo việc làm ổn định cho khoảng 40 lao động (cả chính thức và thời vụ), với mức lương trung bình 4 - 6 triệu đồng/tháng. HTX cũng đang là điểm bao tiêu sản phẩm cho hơn 300ha củ cải trắng của nông dân huyện Hoàng Su Phì.

Ông Hoàng Hải Lý, Bí thư Huyện ủy Hoàng Su Phì đánh giá, công tác dân vận là giải pháp quan trọng trong phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo tại địa phương. Thời gian tới, huyện tích cực triển khai đến từng xã phát triển kinh tế hộ gia đình vùng DTTS, vận động bà con nhân dân thi đua vươn lên thoát nghèo. “Bên cạnh đó, qua phong trào dân vận khéo trong vùng đồng bào DTTS đã động viên nhân dân tích cực tham gia phát triển kinh tế tập thể, HTX, tham gia tư vấn, hỗ trợ thành lập mới HTX, xây dựng và nhân rộng các mô hình HTX hoạt động hiệu quả, giúp nâng cao năng lực, thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo mà tỉnh đề ra”, ông Hoàng Hải Lý nhấn mạnh./.

Bạn đang đọc bài viết "Dân vận khéo trong công tác giảm nghèo vùng dân tộc thiểu số" tại chuyên mục Đời sống. Mọi thông tin xin gọi hotline (0896.530.666) hoặc email (doanhnghiepvadoisong@gmail.com).