Đền Hùng sẽ tiếp nhận công đức bằng mã QR

22/04/2023 15:26

Mới đây, Ban quản lý Khu Di tích lịch sử Đền Hùng vừa công bố mã QR được sử dụng để tiếp nhận công đức của các tập thể, cá nhân trong và ngoài nước.

Khu Di tích lịch sử Đền Hùng thuộc thôn Cổ Tích, xã Hy Cương, TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, là nơi thờ cúng các vua Hùng đã có công dựng nước. Đền Hùng cách trung tâm TP. Việt Trì 7km về phía Bắc, cách Thủ đô Hà Nội 90km. Từ Hà Nội, du khách có thể đến Đền Hùng bằng đường bộ theo quốc lộ 2 hoặc tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai.

Ông Lê Trường Giang, Giám đốc Khu Di tích lịch sử Đền Hùng cho biết, toàn bộ tiền công đức được Khu Di tích lịch sử Đền Hùng hạch toán vào sổ sách theo quy định của Nhà nước. Trong đó, 35% tiền công đức được để lại bảo đảm chi thường xuyên được đơn vị chi cho các nhiệm vụ như: Trả lương, lương lao động hợp đồng, thù lao cho ông Từ, mua lễ vật hàng ngày... Toàn bộ các khoản thu, chi đều có sổ sách kế toán, sử dụng đúng mục đích, công khai, minh bạch theo các quy định hiện hành.

Nhằm tạo điều kiện thuận tiện cho nhân dân thập phương phát tâm cúng lễ tu bổ, tôn tạo, xây dựng Khu di tích lịch sử Đền Hùng, Ban quản lý Khu di tích lịch sử Đền Hùng đã công bố mã QR được sử dụng để tiếp nhận công đức của các tập thể, cá nhân trong và ngoài nước.

ma-qr-den-hung-1682048785-1682151822.jpeg

Mã QR tiếp nhận công đức Khu Di tích lịch sử Đền Hùng. (Ảnh: VOV)

Theo Quy định, cơ chế quản lý tài chính của Khu Di tích lịch sử Đền Hùng, nguồn thu 65% nộp ngân sách Nhà nước cũng được quy định sử dụng cụ thể vào các việc như: Duy tu bảo dưỡng các tuyến đường; vận hành hệ thống trạm biến áp, trạm bơm, chi hoạt động Giỗ Tổ hàng năm. Việc công khai, minh bạch trong quản lý, sử dụng tiền công đức của Khu Di tích lịch sử Đền Hùng đã và đang góp phần xây dựng hình ảnh Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng hàng năm là lễ hội kiểu mẫu của cả nước. "Chúng tôi cũng đã tiếp nhận tiền công đức để cho bà con nhân dân đóng góp xây dựng Đền Hùng qua mã QR, để bà con từ xa có thể gửi những nén tâm nhang về để thắp hương công đức tổ tiên. Chúng tôi rất muốn đây là một sự minh bạch rất rõ ràng, tức là khi mà sử dụng mã QR tiếp nhận quyền sử dụng thì đồng tiền chuyển vào ngân hàng được quản lý rất chặt chẽ, minh bạch. Khi chúng tôi sử dụng đồng tiền đấy thì chúng tôi sẽ xử lý đúng mục đích để tiền công đức sử dụng đúng cho việc tu bổ, tôn tạo Đền Hùng để tạo lòng tin cho người dân. Cho dù người dân dâng đồng tiền nhỏ nhất vào để công đức, để hương khói tổ tiên”, ông Lê Trường Giang cho biết thêm.

Khu Di tích lịch sử Đền Hùng, hiện có khoảng 20 hòm công đức đặt tại các đền. Việc trông giữ và quản lý tiền công đức được Khu Di tích lịch sử Đền Hùng thực hiện rất chặt chẽ trong nhiều năm qua. Đến nay, hình thức tiếp nhận tiền công đức qua quét mã QR sẽ góp phần minh bạch hoạt động quản lý tiền công đức, tạo điều kiện thuận tiện cho nhân dân thập phương phát tâm cúng lễ tu bổ, tôn tạo, xây dựng Khu Di tích lịch sử Đền Hùng.

Theo công bố, nhân dân thập phương khi phát tâm công đức qua hình thức quét mã QR chuyển khoản cần lưu ý xác nhận đúng tài khoản tiếp nhận có tên “KHU DI TICH LICH SU DEN HUNG” - Số tài khoản 42110008886868, Ngân hàng BIDV Phú Thọ để tránh nhầm lẫn./.

Đền Hùng là Di tích lịch sử văn hoá đặc biệt quan trọng của quốc gia, được xây dựng trên núi Hùng, thuộc đất Phong Châu vốn là đất kế đô của Nhà nước Văn Lang 4.000 năm trước đây. Toàn bộ Khu di tích có 4 đền, 1 chùa và 1 lăng, hài hoà trong cảnh thiên nhiên, có địa thế cao rất ngoạn mục, hùng vĩ, đất đầy khí thiêng của sơn thuỷ hội tụ.

Đền Hùng được xây dựng trên núi Hùng (còn gọi là núi Cả theo tiếng địa phương hay còn có nhiều tên gọi khác nhau: Nghĩa Lĩnh, Nghĩa Cương, Hy Cương, Hy Sơn, Bảo Thiếu Lĩnh, Bảo Thiếu Sơn,…), có độ cao 175m so với mặt nước biển. Tục truyền rằng, núi Hùng là chiếc đầu rồng hướng về phía Nam, mình rồng uốn khúc thành núi Vặn, núi Trọc, núi Pheo,…. Núi Vặn cao 170m, xấp xỉ núi Hùng. Núi Trọc nằm giữa núi Hùng và núi Vặn, cao 145m. Theo truyền thuyết đây là ba đỉnh “Tam sơn cấm địa” được dân gian thờ từ rất lâu đời.

Toàn Khu Di tích Đền Hùng xưa kia là rừng già nhiệt đới, đến nay chỉ còn núi Hùng là rậm rạp xanh tươi với 150 loài thảo mộc thuộc 35 họ, trong đó còn sót lại một số cây đại thụ như chò, thông, lụ,…và một vài giống cây cổ sơ như kim giao, thiên tuế,...

Bạn đang đọc bài viết "Đền Hùng sẽ tiếp nhận công đức bằng mã QR" tại chuyên mục Đời sống. Mọi thông tin xin gọi hotline (0896.530.666) hoặc email (doanhnghiepvadoisong@gmail.com).