Hiệu quả của nông nghiệp xanh, an toàn đã rõ nét, song việc sản xuất vẫn có một số khó khăn, như trong quá trình canh tác hướng theo hữu cơ, chỉ được phép sử dụng phân bón hữu cơ; phòng trừ cỏ dại, sâu bệnh... bằng các biện pháp thủ công hoặc thuốc sinh học nên mất nhiều công lao động và khó thực hiện trên diện rộng...
Hướng tới nền nông nghiệp xanh, thân thiện với môi trường, thời gian tới, Hà Nội tập trung phát triển các vùng nông nghiệp hàng hóa theo hướng đầu tư cơ sở hạ tầng sản xuất gắn với xây dựng thương hiệu.
Đến năm 2025, Hà Nội phấn đấu có diện tích canh tác hữu cơ đạt 1,5-2% tổng diện tích đất trồng trọt; sản xuất nông nghiệp xanh sẽ trở thành mũi nhọn trong ngành Nông nghiệp Thủ đô.
Nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp xanh phát triển mạnh tại Thủ đô. Ảnh: X.H
Để mở rộng các vùng sản xuất nông nghiệp xanh, góp phần bảo vệ môi trường, theo báo cáo của lãnh đạo Sở NN&PTNT Hà Nội, ngành Nông nghiệp Thủ đô sẽ phối hợp với các địa phương hướng dẫn, tuyên truyền, khuyến cáo nông dân hạn chế sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học độc hại, không được sử dụng các loại thuốc ngoài danh mục cho phép.
Hà Nội cũng tạo mọi điều kiện thuận lợi thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp xanh, xây dựng thêm nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Về lâu dài, nông dân cần mạnh dạn thay đổi nhận thức, chuyển từ cách làm theo thói quen sang sản xuất nông nghiệp theo hướng dẫn của các chuyên gia, nhà khoa học và các cơ quan quản lý nhà nước...
Đến nay, các mô hình nông nghiệp xanh, hữu cơ của Hà Nội phát triển tại các huyện: Sóc Sơn, Đông Anh, Phú Xuyên, Thạch Thất, Ứng Hòa.. Sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp xanh bảo đảm yêu cầu cao về vệ sinh an toàn thực phẩm, không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân Thủ đô mà một số sản phẩm còn xuất khẩu cho giá trị kinh tế cao.
Nói về lợi ích của nông nghiệp xanh, Trưởng phòng Kinh tế huyện Ứng Hòa Phạm Văn Hoạch cho biết, nông nghiệp xanh trên thực tế đã tồn tại gần 20 năm qua tại địa phương với hàng nghìn mô hình từ quy mô nông hộ đến trang trại trong hệ thống canh tác: Vườn - ao - chuồng (VAC), xen canh, gối vụ.
Trong đó, chất thải từ chăn nuôi phục vụ trồng trọt; phụ phẩm trồng trọt được sử dụng làm thức ăn cho chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản. Một số năm gần đây, hệ canh tác lúa - cá, lúa - vịt… ngày càng phát triển theo hướng bền vững.
Các hệ canh tác tuần hoàn này vừa bảo đảm dinh dưỡng, vừa thích ứng biến đổi khí hậu. Trong bối cảnh chi phí sản xuất tăng cao, từ phân bón đến thức ăn chăn nuôi, những mô hình đa canh lúa - cá - vịt... đang chiếm ưu thế, giúp nông dân Thủ đô bám trụ được với nghề nông nghiệp.