Theo dữ liệu Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA) tổng hợp từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC), tính đến ngày công bố thông tin 31/3/2023, có 11 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp với tổng giá trị phát hành đạt 26.425 tỷ đồng (hơn 1,1 tỷ USD) được ghi nhận trong tháng 3/2023.
Con số này nếu so với tháng 1 trước đó chỉ có duy nhất một lô phát hành riêng lẻ với giá trị 110 tỷ đồng và tháng 2 có 3 lô tổng trị giá 2.000 tỷ đồng thì rõ ràng đã tăng rất nhiều. Nếu so với tháng 3/2022 cũng đã tăng vượt bậc. Cụ thể, trong tháng 3/2022 có 2 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng và 10 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ với tổng giá trị phát hành 3.621 tỷ đồng.
Theo dữ liệu VBMA tổng hợp từ HNX, tổng giá trị trái phiếu đã được các doanh nghiệp mua lại trước hạn trong tháng 3/2023 là gần 14.300 tỷ đồng (tăng 137% so với tháng trước và tăng 64% so với cùng kỳ tháng 3/2022).
Xây dựng và hàng tiêu dùng là 2 nhóm ngành ghi nhận giá trị mua lại lớn nhất trong tháng, lần lượt đạt 5.000 tỷ (chiếm 35% tổng giá trị mua lại) và 3.400 tỷ (chiếm 24% tổng giá trị mua lại).
Hơn 1 tỷ USD trái phiếu bất động sản, xây dựng phát hành trong tháng 3, thị trường sôi động trở lại. Ảnh minh hoạ
Tính từ đầu năm tới nay, tổng giá trị trái phiếu đã được các doanh nghiệp mua lại đạt hơn 29.860 tỷ đồng (tăng 63% so với cùng kỳ năm 2022).
Theo dữ liệu VBMA tổng hợp, tính đến ngày công bố thông tin 31/3, tổng giá trị trái phiếu đến hạn trong tháng 4/2023 là 14.540 tỷ đồng. Bất động sản và ngân hàng là hai nhóm ngành có giá trị đến hạn lớn nhất, lần lượt là 4.500 tỷ đồng và 5.300 tỷ đồng, chiếm 31% và 36% giá trị đến hạn.
Về kế hoạch phát hành trái phiếu doanh nghiệp năm 2023, VBMA cho biết, Ban lãnh đạo của CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TPHCM (CII) có kế hoạch trình Đại hội đồng cổ đông thông qua phương án phát hành tổng cộng 4.500 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi, không có tài sản bảo đảm, không kèm theo chứng quyền với kỳ hạn 10 năm cho cổ đông hiện hữu trong năm 2023./.