Lai Châu: Phát triển sâm theo mô hình chế biến sâu

06/03/2023 08:44

Tận dụng tiềm năng, lợi thế về phát triển dược liệu, đặc biệt là phát triển cây trồng có giá trị kinh tế cao, tỉnh Lai Châu đã và đang đặc biệt quan tâm, có chính sách hỗ trợ, thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư phát triển trồng sâm Lai Châu trên địa bàn.

Lai Châu là tỉnh biên giới phía Tây Bắc của Tổ quốc với diện tích tự nhiên hơn 9.000 km2; trong đó có 50% diện tích rừng. Là tỉnh có khí hậu vùng nhiệt đới và một số nơi có độ cao trên 1.200 m so với mực nước biển, thổ nhưỡng phong phú, đa dạng với nguồn dược liệu quý như lan kim tuyến, sâm vũ diệp, bảy lá một hoa, tam thất, thất diệp nhất chi mai, thổ hoàng liên, hoàng tinh…; trong đó, có sâm Lai Châu.

Để phát huy tiềm năng, lợi thế, phát triển sâm Lai Châu thành sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch phát triển sâm Lai Châu giai đoạn 2022 - 2030 và định hướng đến năm 2045. 

Mục tiêu đến năm 2030, tỉnh Lai Châu sẽ tập trung phát triển vùng trồng sâm khoảng 3.000 ha gắn với chế biến, xây dựng thương hiệu và tiêu thụ sản phẩm chế biến từ sâm Lai Châu.

sam-1677947931-1678066824.jpeg

Nhờ có sự vào cuộc của một số doanh nghiệp đầu tư và bảo tồn, cây sâm Lai Châu đã cho ra quả để nhân giống trên đất Mường Tè. (Ảnh: Báo ảnh Dân tộc và miền núi)

Hiện, Lai Châu đang huy động sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, chính quyền các cấp; sự giúp đỡ tâm huyết của các nhà khoa học và quyết tâm của người dân, hợp tác xã, doanh nghiệp để phát triển và hình thành chuỗi liên kết sản xuất.

Được biết, tỉnh Lai Châu đang giao cho Hiệp hội Sâm Lai Châu thực hiện các nhiệm vụ chức năng liên kết, tháo giỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, cá nhân trong phát triển vùng trồng sâm, cũng như phát triển các sản phẩm từ sâm.

Theo ông Ngô Tân Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Sâm Lai Châu cho biết, Hiệp hội đã làm việc với các nhà máy đạt tiêu chuẩn thực hành sản xuất tốt (GMP) chuyên chế biến thuốc; làm việc với Cục quản lý Dược về quy trình cấp phép, chế biến các sản phẩm sâu mang tính chất thực phẩm chức năng.

Ông Hà Trọng Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu cũng cho hay, địa phương sẽ đồng hành, hỗ trợ các doanh nghiệp, cá nhân để phát triển sâm tới cùng. Đồng thời, phối hợp với Hiệp hội Sâm Lai Châu, các đơn vị liên quan thực hiện hoạt động xúc tiến thương mại, tuyên truyền, giới thiệu đến người tiêu dùng có đủ thông tin về sản phẩm sâm, từ đó tạo lợi thế cạnh tranh, hướng tới xuất khẩu.

Theo TS. Phạm Quang Tuyến – Viện Nghiên cứu lâm sinh, bảo tồn nguồn gen trong tự nhiên, trước hết phải xây dựng vườn giống. Xây dựng đề án khoanh vùng bảo tồn nguồn gen có cây sâm phân bổ trong tự nhiên; xây dựng đề án lưu giữ nguồn gen sâm Lai Châu. Cùng với đó, định hướng phát triển vườn cây giống cụ thể như: xây dựng mỗi huyện tối thiểu 1 trung tâm phát triển vườn giống chất lượng cao được chọn lọc, đủ điều kiện sản xuất tối thiểu 1 triệu cây giống/năm, đáp ứng công suất trồng 10ha/năm (100.000 cây/ha; xây dựng đề án phát triển nguồn giống tại chỗ trong dân. Hoàn thiện kỹ thuật nhân giống (từ hạt), tiêu chuẩn cây giống chất lượng cao. Xây dựng trung tâm nhân giống ứng dụng công nghệ cao.

Chính sách phát triển dược liệu hiện nay Nhà nước đều có hướng dẫn chung, tuy nhiên HĐND, UBND tỉnh, các ngành liên quan trên cơ sở hướng dẫn của trung ương nên có chính sách đặc thù, riêng biệt. Đặc biệt, cần sự vào cuộc của các cấp, ngành, hiệp hội, đoàn thể nhằm tạo ra sự lan tỏa để chính sách đi vào lòng dân, vào cuộc sống, góp phần thúc đẩy quá trình sản xuất, mở rộng sản xuất.

Thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện như thủ tục đăng ký cấp mã số cơ sở nuôi trồng, thủ tục quyết định đầu tư dự án, chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất, hỗ trợ tích tụ đất đai, liên kết trồng sâm Lai Châu dưới tán rừng...

Bạn đang đọc bài viết "Lai Châu: Phát triển sâm theo mô hình chế biến sâu" tại chuyên mục Xã hội. Mọi thông tin xin gọi hotline (0896.530.666) hoặc email (doanhnghiepvadoisong@gmail.com).