Sầu riêng Việt Nam ngày càng "đắt khách" thế giới

23/07/2022 16:45

Sầu riêng của Việt Nam đang được nhiều thị trường biết đến và lượng xuất khẩu ngày càng lớn. Sự đón nhận của thị trường nước ngoài đối với trái sầu riêng là nhờ công tác quảng bá được làm tốt, cũng như đảm bảo chất lượng sản phẩm khi đến tay người tiêu dùng.

Theo Bộ Công Thương, trong vòng 10 năm trở lại đây, diện tích trồng sầu riêng ở nước ta gia tăng nhanh chóng. Nếu như trước kia, sầu riêng được trồng chủ yếu ở vùng đồng bằng sông Cửu Long và một vài nơi ở Đông Nam Bộ, thì hiện nay, loại cây này đang có sự gia tăng diện tích mạnh mẽ tại Tây Nguyên - nơi vốn được xem là thủ phủ cây công nghiệp hơn là cây ăn trái. Mặc dù vậy, cây sầu riêng cũng tỏ ra thích nghi với vùng đất này khi sinh trưởng, cho năng suất và chất lượng tốt.

Theo Cục Trồng trọt, năm 2021, sản lượng sầu riêng cả nước ước đạt 642.600 tấn, tăng 15% so với năm 2020. Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sầu riêng dưới dạng múi đã tách vỏ và được cấp đông.

Trung Quốc là thị trường tiêu thụ sầu riêng tươi nhiều nhất của Việt Nam nhưng chủ yếu là xuất tiểu ngạch. Kể từ ngày 11/7/2022, sầu riêng của Việt Nam được xuất chính ngạch qua tất cả các cửa khẩu của Trung Quốc.

saurieng-16289923498622000010389-1658451538-1658569089.jpeg
 

Sầu riêng Việt Nam ngày càng được ưa chuộng trên thế giới. Ảnh: VGP.

Đến nay, sầu riêng Việt Nam đang ngày càng thể hiện vị trí "thống lĩnh" trên thị trường lớn nhất Châu Đại Dương - Australia, với hàng loạt thương hiệu đặc trưng riêng như ASEAN Produce, Vin Eni, Basel, Ưu Đàm, No1…

Mới đây, hơn 15 tấn sầu riêng Ri6 đông lạnh của một công ty xuất sang Australia đã cháy hàng chỉ trong 2 ngày phân phối. Ngoài ra, 45 tấn sầu riêng khác dù đang trên đường vận chuyển nhưng cũng đã được các cửa hàng đặt mua hết.

Giá sàn thấp nhất gần 19 UAD/1kg đối với sầu riêng đông lạnh nguyên trái và 20 - 25 UAD/1kg (tương đương 340.000 - 420.000 đồng) đối với loại tách sẵn múi.

Sự đón nhận của thị trường nước ngoài đối với trái cây Việt Nam là nhờ chúng ta làm tốt công tác quảng bá, cũng như đảm bảo chất lượng sản phẩm khi đến tay người tiêu dùng. Tất cả chỉ có thể gói gọn trong các chuỗi liên kết. Ngay trong thời điểm giãn cách xã hội như hiện nay, các chuỗi này càng phát huy hiệu quả.

"Để tìm kiếm thị trường mới, doanh nghiệp Việt cần chú trọng việc xây dựng thương hiệu cho trái sầu riêng Việt Nam. Việc tham gia các phiên tư vấn xuất khẩu sản phẩm sầu riêng Việt Nam chính là cơ hội tốt để doanh nghiệp xuất khẩu sầu riêng tìm hiểu sâu về thị trường, từ đó tăng cường xuất khẩu loại trái cây này. Ngày 22/7, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) sẽ tổ chức phiên tư vấn xuất khẩu sản phẩm sầu riêng Việt Nam. Phiên tư vấn được tổ chức trực tiếp tại Đắk Lắk, một trong những tỉnh có diện tích trồng sầu riêng lớn tại Tây Nguyên", đại diện Cục Xúc tiến thương mại cho hay.

Theo dự báo của các chuyên gia, quy mô thị trường trái sầu riêng toàn cầu sẽ đạt 28,6 tỉ USD vào năm 2025 và đạt tốc độ tăng trưởng bình quân là 7,2% trong giai đoạn năm 2019 - 2025. Sự tăng trưởng của thị trường trái cây sầu riêng được thúc đẩy bởi nhu cầu ngày càng tăng về ẩm thực, cùng với sự mở rộng của ngành du lịch.

Bạn đang đọc bài viết "Sầu riêng Việt Nam ngày càng "đắt khách" thế giới" tại chuyên mục Đời sống. Mọi thông tin xin gọi hotline (0896.530.666) hoặc email (doanhnghiepvadoisong@gmail.com).