Thanh Hóa: Sản xuất chè theo hướng VietGap gắn với du lịch cộng đồng

21/08/2023 08:15

Xã Bình Sơn, huyện Triệu Sơn (Thanh Hóa), từ lâu được biết đến là thủ phủ của chè, góp phần tạo nên hương vị riêng của chè xứ Thanh. Tuy nhiên, đến nay chất lượng chè và sức cạnh tranh vẫn thấp. Để nâng cao giá trị sản phẩm, lãnh đạo địa phương đã xây dựng đề án “Xây dựng vùng sản xuất, chế biến chè xanh an toàn theo hướng VietGAP gắn với du lịch cộng đồng"

Thực trạng cây chè ở Bình Sơn

Được thiên nhiên ưu đãi về khí hậu và thổ nhưỡng, từ bao đời nay cây chè đã sớm bén duyên trên vùng núi cao xã Bình Sơn, được xem là cây trồng chính mang lại thu nhập cao. Từ đó diện tích chè không ngừng được mở rộng, biến nơi đây thành thủ phủ của cây chè tại Thanh Hóa. Tuy nhiên công sức bỏ ra nhiều nhưng thu nhập chẳng bao nhiêu nên đã không ít hộ dân quay lưng lại với cây chè.

1-1692520809-1692580308.jpeg

Lãnh đạo tỉnh đến tham quan, trải nghiệm thu hoạch chè cùng bà con

Các sản phẩm từ chè Bình Sơn đa số chỉ dừng lại ở chế biến thủ công như sao vàng, đóng gói to để nhập cho thương lái, không đạt tiêu chuẩn nên hiệu quả kinh tế đem lại không cao. Cũng từ đó nhiều hộ dân đã không còn mặn mà với chè, để có đất canh tác, họ đành chặt phá để lấy đất trồng những cây khác có giá trị hơn. Hàng loạt những đồi chè đã dần bị thay thế bởi cánh rừng keo.

Từ thực tế trên, lãnh đạo địa phương đã tìm nhiều biện pháp, vạch ra hướng đi để cứu lấy cây chè bản địa đang bị các cây trồng khác xâm lấn. Để tìm hướng ra cho sản phẩm, cũng như giúp bà con ổn định cuộc sống, năm 2019, HTX chè Bình Sơn đã được thành lập, với chức năng thu mua các sản phẩm chè từ bà con về chế biến thành sản phẩm xuất ra thị trường.

Hiện nay, toàn xã Bình Sơn có 379 hộ sản xuất, chế biến chè, 01 HTX sản xuất chè với 120 hộ sản xuất chè là thành viên HTX; số hộ sản xuất chè trải đều trên 5 thôn của xã Bình Sơn, trong đó thôn Đông Tranh và thôn Cây Xe có diện tích chè tập trung và nhiều nhất. Nhìn chung sản xuất chè của xã Bình Sơn ở quy mô nông hộ, sản xuất nhỏ chiếm 85%. HTX Nông lâm nghiệp Bình Sơn sản xuất, chế biến và tiêu thụ được khoảng 20 tấn chè khô/năm.

Nhờ hướng đi đúng đắn của cấp ủy, chính quyền cùng với người dân, diện tích cây chè đã được giữ lại. Không chỉ có vậy diện tích trồng chè tính đến năm 2022, diện tích chè toàn xã là 203,84 ha, trong đó diện tích chè cho sản phẩm chè búp đạt khoảng 111,2 ha, năng suất chè búp tươi đạt 6 tấn/ha, sản lượng chè búp tươi đạt 667,32 tấn/năm. Diện tích trồng mới và trồng thay thế 20,28 ha.

4-1692521760-1692580336.jpeg

Để có trà ngon, người nông dân chỉ thu hoạch 1 búp và 2 lá trên 1 ngọn chè

Ông Lê Xuân Linh, Phó Chủ tịch xã Bình Sơn cho biết: “Nhờ các chính sách khuyến khích hỗ trợ của UBND tỉnh Thanh Hóa và UBND huyện Triệu Sơn đã tạo điều kiện thúc đẩy cho các tổ chức, cá nhân sản xuất, chế biến, kinh doanh chè, theo hướng an toàn, chất lượng. Cùng với đó là tinh thần chủ động, sáng tạo của người dân sản xuất theo hướng an toàn thực phẩm, từ đó chất lượng chè Bình Sơn được nâng lên rõ rệt. Giá chè tương đối ổn định đã góp phần quan trọng giải quyết việc làm, mang lại thu nhập chính cho các hộ gia đình trên địa bàn xã.

Hiện xã Bình Sơn đã có 10 ha chè được sản xuất theo quy trình VietGAP, có 2 sản phẩm từ chè được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh. Bên cạnh đó, công tác quảng bá, xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm đã được tỉnh, huyện quan tâm, qua đó giới thiệu sản phẩm chè Bình Sơn đến được nhiều vùng, miền trong cả nước.”

Sản xuất chè bền vững gắn với phát triển du lịch

Hiện nay, cơ sở hạ tầng xã Bình Sơn và vùng sản xuất nguyên liệu chè còn hạn chế, sản xuất chưa đồng bộ, sản xuất còn mang tính nhỏ lẻ, theo quy mô nông hộ, không bảo đảm tính thống nhất về quy trình chăm sóc, chế biến và đồng đều về chất lượng.

Để phát triển đồng nhất vùng nguyên liệu, cũng như xây dựng thương hiệu cho chè Bình Sơn, UBND huyện Triệu Sơn đã xây dựng đề án: “Xây dựng vùng sản xuất, chế biến chè xanh an toàn theo hướng VietGAP gắn với du lịch cộng đồng tại huyện Triệu Sơn giai đoạn 2023 – 2025” với tổng số vốn đầu tư dự kiến là 62 tỷ 260 triệu đồng.

Theo đề án, tập trung mở rộng quy mô trồng chè, đến năm 2025 diện tích chè đạt khoảng 300 ha, trong đó diện tích cho thu hoạch là 220 ha, diện tích trồng chè giống mới là 100 ha. Năng suất bình quân 68 tạ/ha, tổng sản lượng đạt 1470 tấn chè búp tươi. Diện tích chè được chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP đạt 70 ha (chiếm khoảng 20% tổng diện tích); diện tích chè sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ đạt 20 ha.

6-1692521288-1692580380.jpeg

Lãnh đạo xã Bình Sơn tham quan, hướng dẫn người dân thu hoạch chè

Đến năm 2030 diện tích chè của huyện đạt khoảng 350 ha (diện tích chè giống mới chiếm 40% sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP), trong đó diện tích cho thu hoạch là 300 ha với năng suất bình quân 70 tạ/ha, tổng sản lượng đạt 2.100 tấn chè búp tươi (tương đương 400 tấn chè khô).

Giá trị sản xuất chè: Đến năm 2025 đạt 200 triệu đồng/ha, lợi nhuận đạt 70-100 triệu đồng/ha; đến năm 2030 đạt 300 triệu đồng/ha, lợi nhuận đạt 150-170 triệu đồng/ha.

Đối với du lịch cộng đồng: Đến năm 2025 đón nhận từ 500-700 lượt khách du lịch/năm. Đến năm 2030 đón nhận từ 1000-1500 lượt khách du lịch/năm thông qua các hoạt động trải nghiệm như du lịch cộng đồng, tham gia các hoạt động trải nghiệm hái chè, chế biến chè, thưởng thức các sản phẩm từ chè, các hoạt động văn hoá của đồng bào dân tộc thiểu số.

Để làm được điều đó, chính quyền sở tại đã phối hợp với các phòng ban liên quan đẩy mạnh công tác đào tạo, tập huấn, chuyển giao quy trình kỹ thuật sản xuất chè an toàn. Trong đó chú trọng đẩy mạnh tập huấn sản xuất chè theo quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP), sản xuất chè hữu cơ; ưu tiên kinh phí hỗ trợ chứng nhận VietGAP, chứng nhận cơ sở đủ điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm.

Đẩy mạnh ứng dụng đồng bộ khoa học và công nghệ tiên tiến, công nghệ cao trong sản xuất, thu hoạch, chế biến, bảo quản chè; có chính sách ưu tiên khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư ứng dụng công nghệ cao vào khâu chế biến, nhằm đa dạng sản phẩm có giá trị gia tăng cao để phục vụ nhu cầu ngày càng cao của thị trường trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu.

Ngoài ra, địa phương cũng tổ chức quản lý chặt chẽ kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, ngăn chặn triệt để buôn bán thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng cho chè và hướng dẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc “4 đúng” là nhiệm vụ, giải pháp quan trọng hàng đầu trong sản xuất chè an toàn. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra giám sát an toàn thực phẩm trong hoạt động sản xuất, chế biến chè./.

Bạn đang đọc bài viết "Thanh Hóa: Sản xuất chè theo hướng VietGap gắn với du lịch cộng đồng" tại chuyên mục Đời sống. Mọi thông tin xin gọi hotline (0896.530.666) hoặc email (doanhnghiepvadoisong@gmail.com).