Cột cờ Lũng Cú là một trong số các cột cờ quốc gia nằm trên đỉnh Lũng Cú hay còn gọi là núi Rồng (Long Sơn), có tọa độ 23°21’49’’ vĩ bắc, 105°18’58’’ kinh đông, nơi điểm cực bắc Việt Nam (theo số liệu địa lý đo đạc được, điểm cực bắc còn nằm cách khoảng 2km nữa, nhưng trước nay cột cờ Lũng Cú vẫn luôn tồn tại trong tâm thức người Việt như một biểu tượng thiêng liêng về chủ quyền quốc gia, tọa lạc ở vị trí đắc địa nhất trong vùng).
Từ bãi đỗ xe giữa lưng chừng núi, du khách chinh phục 286 bậc đá lên độ cao 1.700m, đứng dưới lá cờ đỏ sao vàng có diện tích 54m2 (tượng trung cho 54 dân tộc anh em) tung bay mà lòng ai cũng thấy tự hào.
“Lũng” trong tiếng H’mông là ngô, Lũng Cú là thung lũng ngô, sở dĩ có tên như vậy, đơn giản vì nơi đây có những cánh đồng, vạt nương lớn đều trồng ngô và ngày nay còn trồng rất nhiều cây tam giác mạch và mùa hoa đã trở thành Lễ hội hoa tam giác mạch của Hà Giang. Có nhiều cách giải thích khác mang màu sắc huyền thoại về ngọn núi Lũng Cú, hay còn gọi là núi Rồng, núi Long Cư, tức nơi rồng thiêng từng cư ngụ.
Tuy nhiên có một cách giải thích khác, Lũng Cú đọc chệch tiếng Hán sang tiếng H’mông từ “Long Cổ”, tức trống của nhà vua. Lịch sử chép rằng sau khi đại phá quân Minh, vua Lê Lợi đã cho treo cái trống thật to ở trên núi (có sách còn chép ngay từ thời Lý, thái úy Lý Thường Kiệt đã cho dựng trống ở nơi đây), dùng tiếng trống ấy truyền tin về sự an nguy của vùng biên ải.
Mỗi khi có nguy, tiếng trống lại dồn dập vang xa hàng mấy dặm, thức tỉnh lòng tự hào dân tộc, ý thức bảo vệ chủ quyền từng tấc đất tấc sông. Tiếng trống của cha ông khi xưa cũng như lá cờ đỏ sao vàng ngày nay là một biểu tượng thiêng liêng về chủ quyền đất nước. Cột cờ Lũng Cú được xây dựng như ngày nay cũng trải qua nhiều mốc quan trọng. Những câu chuyện về lịch sử cột cờ cũng nhuốm màu sắc huyền sử thiêng liêng.
Theo đó, cột cờ bắt đầu được xây dựng từ thời Lý, làm từ cây sa mộc cao trên 10 mét. Đến thời Pháp thuộc năm 1887, cột cờ được xây lại, rồi trải qua nhiều lần trùng tu với độ cao và kích thước khác nhau. Năm 1978, ông Hùng Đình Quý phó chủ tịch UBND huyện Đồng Văn lúc bấy giờ thấy lá cờ cắm lúc trước chưa đủ rộng để mọi người dân ở chân núi có thể nhìn thấy, đã nảy ra ý tưởng làm cột cờ cao hơn, may lá cờ rộng hơn.
Năm 2000, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hà Giang, đã cho phép huyện Đồng Văn xây dựng công trình mang tầm cỡ quốc gia, và cột cờ bằng bê tông cốt thép được xây dựng, thay cho cột cờ bằng gỗ lúc bấy giờ. Để phù hợp với cột cờ to và bề thế, thì lá cờ rộng 54 m2 được ra đời từ đó. Với những giá trị lịch sử sâu sắc, ngày 18/11/2009, Nhà nước đã công nhận Cột cờ Lũng Cú là Di tích lịch sử quốc gia.
Năm 2010, khi Thủ tướng Chính phủ lên thăm Cột cờ Lũng Cú, đã đồng ý cho phép Hà Giang xây dựng cột cờ mới to đẹp hơn, bề thế hơn để khẳng định vị thế của đất nước ta trong công cuộc đổi mới, và khẳng định chủ quyền quốc gia dân tộc. Cột cờ ngày nay chính thức được xây dựng với tổng chiều cao 33.15 mét, trong đó chân cột cao 20.25 mét, cán cờ cao 12.9 mét, đường kính ngoài chân cột rộng 3.8 mét.
Cột cờ được thiết kế hình bát giác tương tự cột cờ Hà Nội, 8 mặt chân cột mô phỏng hoa văn trống đồng Đông Sơn và minh họa những thời kì lịch sử khác nhau của đất nước. Đặc biệt ngay lưng chừng núi, các nhà khoa học đã phát hiện một loại bọ ba thùy hóa thạch trong đá vôi, có niên đại khoảng 500 triệu năm.
Dưới chân cột cờ Lũng Cú, là đồn biên phòng Lũng Cú, nơi đây có một trạm chuyên làm nhiệm vụ bảo vệ lá cờ trên đỉnh cột cờ Lũng Cú và hầu như cứ 10 đến 15 ngày lá cờ lại được thay mới. Những lá cờ này được giữ lại làm quà tặng cho những đoàn khách đặc biệt đặt chân đến đây, được mang theo về như một kỉ vật của Tổ quốc, một món quà mang ý nghĩa thiêng liêng đối với bất cứ người con đất Việt nào.
Đoàn du khách từ khắp mọi miền đến đây và đứng dưới lá cờ đỏ sao vàng phần phật tung bay nơi địa đầu Tổ quốc. Chắc chắn, chúng ta đều sẽ có những cảm xúc thiêng liêng khó tả. Vang vọng đâu đó là tiếng trống từ ngàn đời xưa, đất nước hiện lên qua những trang sử hào hùng. Ngày tết độc lập, ngắm ngọn cờ bay trên đỉnh cực bắc ta càng thấy tự hào với truyền thống quê hương, đất nước.
Đây sẽ là một trải nghiệm đặc biệt, đi để khám phá, để hiểu được tiếng nói của cha ông, của những thế hệ đi trước đã bảo vệ và gìn giữ sông núi ngày nay. Đồng thời ngắm toàn cảnh đời sống, ruộng nương, bản làng của đồng bào các dân tộc thiểu số giản dị, mộc mạc mà sao thấy đẹp đến nao lòng./.