oàn tỉnh Tiền Giang hiện có khoảng 14.450 ha trồng mít, đạt tổng sản lượng hơn 242.000 tấn/năm. Trong đó, có hơn 70% diện tích được trồng ở các xã vùng ngập lũ thuộc các huyện Cái Bè, Cai Lậy, Tân Phước và thị xã Cai Lậy.
Theo ghi nhận, hầu hết các vườn mít ở vùng ngập lũ được nông dân chuyển đổi từ đất sản xuất lúa năng suất thấp, thường gặp rủi ro do biến đổi khí hậu. Nhờ có sự định hướng của chính quyền, sự chuyển giao khoa học - kỹ thuật của ngành Nông nghiệp nên các vườn mít trồng trên đất lúa được thiết kế đúng kỹ thuật, có hệ thống mương liếp tiêu thoát nước tốt nên sinh trưởng, phát triển tốt. Bình quân mỗi cây cho thu hoạch 40 kg/năm và với giá bán dao động từ 15.000 - 20.000 đồng/kg, sau khi trừ đi chi phí, nông dân trồng mít vẫn thu được lợi nhuận cao hơn so với cây lúa từ 03 - 04 lần.
Mít Indo giá 100.000 đồng/kg, người trồng vui mừng vì năm nay mít được mùa được giá. (Ảnh: Cổng thông tin điện tử tỉnh Tiền Giang)
Tiếp đến là trái sầu riêng giống Đô Na (loại 1) hiện ở mức giá trên 130.000 đồng/kg, các loại giống khác giá từ 80.000 - 100.000 đồng/kg, tăng khoảng 10.000 đồng/kg so với tuần trước. Đối với trái mít thương phẩm (loại 1) ngày hôm nay 05/3 thương lái thu mua với giá trên 45.000 đồng/kg.
Đặc biệt, giống mít Indo (ruột đỏ) loại 1 có giá khoảng 100.000 đồng/kg. Đây là mức giá cao nhất trong năm qua, nhà vườn có lãi rất lớn do cây mít cho trái quanh năm và năng suất cao.
Hiện, tỉnh Tiền Giang có diện tích cây sầu riêng là gần 18.000 ha, cây mít hơn 14.000 ha. Tuy 2 loại trái cây này mỗi năm giúp nhà vườn thu nhập hơn 1 tỷ đồng/ha nhưng chính quyền và các ngành chức năng địa phương tuyên truyền, cảnh báo nông dân không phát triển vườn cây ồ ạt, nhất là trồng ngoài vùng quy hoạch, có nguy cơ dẫn đến “cung vượt cầu”.
Ông Dương Trần Trọng Quang, Chủ tịch UBND xã Hội Xuân, huyện Cai Lậy cho biết, mít lúc này giá cao, nhất là mít lá bầu giống Indo loại 2 giá 90.000 đồng/kg, loại 1 là 100.000 đồng/kg(tại vựa). Giá này chạm ngưỡng với giá trái sầu riêng. Bây giờ mình chưa dám khuyến khích, hướng người dân trồng theo quy hoạch, chứ trồng đại trà sợ “cung vượt cầu”. Mít thấy giá ổn, dễ trồng, mau thu hoạch, bà con hiện rất phấn khởi.
Để cây mít phát triển ổn định, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang đề nghị các ngành, các cấp quản lý chặt chẽ quá trình chuyển đổi đất trồng lúa sang trồng mít, theo đó chỉ chuyển đổi đối với những vùng sản xuất lúa khó khăn, thường xuyên bị ảnh hưởng của lũ lụt, đồng thời tăng cường chuyển giao khoa học - kỹ thuật, cấp mã số vùng trồng, xây dựng chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ và đặc biệt kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư chế biến các sản phẩm có nguyên liệu từ mít, nhằm mở thêm triển vọng về tiêu thụ trái mít tươi.