Người Thái ở Việt Nam có khoảng hơn 1 triệu người, chủ yếu sống ở các tỉnh miền núi phía Bắc Như: Lai Châu, Sơn La, Điện Biên Hoà Bình, Thanh Hoá và Nghệ An. Đối với người Thái nhiều vùng, thường coi ngày 25 tháng Chạp (âm lịch) là phiên chợ cuối cùng, lớn nhất trong năm. Mọi người xuống chợ mua sắm tết, sau đó là nghỉ ngơi chơi Tết. Sáng ngày 27 hoặc 28, già làng hoặc Trưởng thôn, Bản đôn đốc mọi nhà tổng vệ sinh cho cả bản. Tối 29, bắt đầu gói bánh chưng.
Một trò chơi dân gian của người Thái ở Con Cuông, Nghệ An
Người Thái thường gói hai loại bánh chưng màu đen và màu trắng. Để làm bánh màu đen, họ đốt rơm lên, lấy tro sạch lẫn gạo nếp rồi sàng sẩy sạch muội tro mà vẫn giữ lại màu đen. Nhiều nơi không cho nhân thịt hành, đỗ vào bánh vì người ta quan niệm hương vị của Tết ở trong bánh chưng chủ yếu thể hiện ở hương vị của lá dong, và đó cũng là cái tinh tuý nhất của đất trời chủ yếu để dâng lên tổ tiên (ma nhà).
Sáng 30 tết, các nhà luộc bánh chưng và thịt lợn. Tối 30 tết là bữa cơm tất niên, với sự góp mặt của bà con, bạn bè, rồi cả đêm người ta thức uống rượu. Trong đêm 30 tết quy định của người Thái nhang không bao giờ tắt. Sau lễ cúng giao thừa bằng cá, thịt, bánh, các đồ thổ cẩm, bạc nén..., nhà nào có chiêng hay cồng thì mang Chiêng cồng ra đánh và múa hát lăm vông. Người Thái thường có phong tục gọi hồn.
Vào tối 28, 29 hoặc 30 tết, họ thịt hai con gà, một để cúng tổ tiên, con cũn lại dựng để gọi hồn cho mọi người trong nhà. Để gọi hồn, thầy cúng lấy của mỗi người một chiếc áo, bó lại một đầu với nhau, vắt lên vai, tay thầy cầm một thanh củi đang cháy, rồi mang ra đầu làng gọi hồn hai ba lần, sau đó về chân cầu thang lại gọi một lần nữa. Xong việc, thầy cúng đích thân buộc một sợi chỉ đen vào tay mỗi thành viên gia đình để trừ tà, sợi chỉ đó phải để tự đứt, nếu dứt đứt thì chủ nhân dễ bị ốm hoặc gặp chuyện không hay.
Sáng mùng một người Thái dậy sớm, múc nước luộc bánh chưng cho mỗi người uống một ít! Các phụ nữ trong nhà hôm mùng 1 tết được đem xôi ra quạt ở giữa gian cúng ma nhà (bình thường họ không được đến khu vực đó!). Sau đó người ta dọn ra hai hoặc ba mâm cúng, mâm đặt trên cao là để cúng tổ tiên nhà chồng, còn mâm thấp cúng tổ tiên nhà vợ. Cúng xong, tất cả con trai trong nhà lui vào, để cho phụ nữ ăn trước, và chỉ duy nhất trong năm có mỗi ngày mùng 1 tết mà thôi. (hàng ngày, phụ nữ ăn cùng hoặc ăn sau đàn ông).
Bữa cơm Tết của người Thái có một món không thể thiếu, đó là cá với các món nướng, lạp, muối chua hay nước khô... Người Kinh mồng 1 kiêng đến nhà nhau sớm, nhưng người Thái thì sáng mồng 1 đó đi nườm nượp đến nhà nhau chúc Tết. Họ chỉ kiêng vứt lá dong xuống gậm sàn, kiêng quét nhà vào ngày mồng 1 tết. Tối ngày mồng 1 họ làm lễ tạ ơn. Từ chiều mồng 1, thanh niên bắt đầu đi chơi, và muốn đi chơi đến bao giờ thì đi, đến làng nào ăn uống ở làng ấy, có khi đi đến qua cả mồng 10 tết hoặc ra rằm tháng giêng mới về. Các trò chơi khá náo nhiệt, gồm đánh cầu lông (cầu lông gà), ném còn; khắc luống, đánh trống, cồng chiêng và hát múa lăm vông.../.