Xăng dầu và gạo làm tăng chỉ số giá tiêu dùng tháng 8/2023

29/08/2023 16:22

Giá xăng dầu và gạo trong nước tăng theo giá thế giới, cùng lúc giá nhà ở thuê tăng là nguyên nhân khiến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8/2023 tăng 0,88% so với tháng trước.

img-bgt-2021-xuat-kh-1693293541-1693300903.jpeg

Giá gạo tăng đã đẩy chỉ số giá tiêu dùng tháng 8/2023 tăng - Ảnh minh họa.

Tổng Cục Thống kê vừa công bố tình hình kinh tế, xã hội tháng 8 và 8 tháng năm 2023, ghi nhận, chỉ số giá tiêu dùng CPI tháng 8/2023 tăng 0,88%, trong đó khu vực thành thị tăng 0,87% còn khu vực nông thôn tăng 0,89%. Bình quân 8 tháng năm 2023, CPI tăng 3,1% so với cùng kỳ năm trước.

Theo nhận định của Tổng cục Thống kê, so với cùng kỳ năm trước, CPI các tháng từ đầu năm đến nay có xu hướng giảm. Trong đó, CPI tháng 1 tăng cao nhất với 4,89%, sau đó giảm dần đến tháng 6 với mức tăng chỉ còn 2%, tháng 7 tăng ở mức 2,06%, sang tháng 8 mức tăng bật lên 2,96% nhưng vẫn thấp hơn các tháng đầu năm.

Lý giải nguyên nhân, theo Tổng cục Thống kê, chủ yếu là do giá xăng dầu trong nước giảm theo giá thế giới làm cho chỉ số giá nhóm giao thông so với cùng kỳ năm trước liên tục giảm, từ mức giảm 0,18% trong tháng 2/2023 đã giảm mạnh 11,98% trong tháng 6/2023 và giảm 0,31% trong tháng 8/2023. Bình quân 8 tháng năm 2023, CPI tăng 3,1% so với cùng kỳ năm 2022.

Đánh giá về các yếu tố làm tăng CPI trong 8 tháng năm 2023, Tổng cục Thống kê cho biết, chỉ số giá nhóm giáo dục bình quân 8 tháng năm 2023 tăng 7,28% so với cùng kỳ năm trước do một số địa phương đã tăng học phí trở lại từ tháng 9/2022 sau khi đã miễn, giảm học phí trong năm học 2021-2022 làm CPI chung tăng 0,45%.

Bên cạnh đó, nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 6,65% so với cùng kỳ năm trước tác động làm CPI chung tăng 1,25% do giá xi măng, sắt, thép, cát tăng theo giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào và giá thuê nhà ở tăng cao.

Ngoài ra, giá gạo trong nước tăng 2,96% theo giá gạo xuất khẩu, tác động làm CPI chung tăng 0,08%. Nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 3,98% so với cùng kỳ năm trước, tác động làm CPI tăng 0,14%, chủ yếu do từ tháng 7/2023, dịch vụ bảo hiểm y tế tăng theo mức lương cơ sở mới…

Về lạm phát cơ bản tháng 8/2023 tăng 0,32% so với tháng trước, tăng 4,02% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 8 tháng năm 2023, lạm phát cơ bản tăng 4,57% so với cùng kỳ năm 2022, cao hơn mức tăng chỉ số CPI bình quân chung (tăng 3,1%). Nguyên nhân chủ yếu do bình quân giá xăng dầu trong nước 8 tháng năm 2023 giảm 17,56% so với cùng kỳ năm trước, giá gas giảm 11,3% là yếu tố kiềm chế tốc độ tăng của CPI nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính lạm phát cơ bản.

Bạn đang đọc bài viết "Xăng dầu và gạo làm tăng chỉ số giá tiêu dùng tháng 8/2023" tại chuyên mục Kinh doanh. Mọi thông tin xin gọi hotline (0896.530.666) hoặc email (doanhnghiepvadoisong@gmail.com).