Tại Việt Nam, ứng dụng AI vào nông nghiệp vẫn còn khá mới mẻ nhưng đang thu hút được sự quan tâm của Chính phủ cũng như của các doanh nghiệp sản xuất vì những ưu thế mà nó mang lại so với nông nghiệp truyền thống. Nhằm khuyến khích các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp nâng cao năng suất thông qua ứng dụng công nghệ AI, ngày 26/01/2021 Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định số 127/QĐ-TTg về Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo đến năm 2030.
Nhằm thúc đẩy và phát triển các ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tự động hóa quy trình sản xuất, nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm nông nghiệp, đảm bảo quy trình sản xuất, xuất xứ minh bạch, cung cấp thực phẩm sạch cho người tiêu dùng, mới đây, Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam chủ trì tổ chức chương trình “Hội thảo ứng dụng công nghệ AI trong nâng cao năng suất nông nghiệp”.
Theo số liệu thống kê, tại Việt Nam, tổng diện tích cấp cho nông nghiệp công nghệ cao là hơn 18.000 ha, với 690 khu sản xuất được xây dựng phục vụ công nghệ cao, 68 doanh nghiệp được công nghiệp là doanh nghiệp công nghệ cao.
Một số công nghệ nổi bật được ứng dụng trong nông nghiệp như AI với các thuật toán có thể phân tích hàng trăm hoặc hàng ngàn biến số trong dữ liệu thời tiết, bao gồm nhiệt độ, độ ẩm, tốc độ gió và áp suất khí quyển; từ đó đưa ra dự đoán về thời tiết và nhu cầu nước, độ ẩm, phát hiện bệnh tật… cho người nông dân. Robot được ứng dụng để gieo hạt, trồng cây, phun thuốc, thu hoạch, giám sát đàn gia súc…
Đồng thời, thiết bị thông minh (đèn, máy bơm, lưới che, quạt… vận hành qua điện thoại và web) giúp điều chỉnh ánh sáng, nhiệt độ, độ ẩm theo mong muốn. Drone hay flycam dùng để theo dõi, phân tích hình ảnh, phun thuốc trừ sâu…
Các ứng dụng trí tuệ nhân tạo đang thay đổi mạnh mẽ sản xuất nông nghiệp. Ảnh minh họa
TS. Trần Quý, Viện trưởng Viện Phát triển kinh tế số Việt Nam khẳng định, tầm quan trọng của AI trong phát triển nông nghiệp hiện đại là không thể phủ nhận. Sử dụng AI có thể giúp nông dân tăng cường năng suất, giảm chi phí sản xuất, dự đoán và phòng tránh các rủi ro, từ khí hậu đến dịch bệnh.
Điều này cũng đồng nghĩa với việc giảm thiểu lượng phân bón và thuốc trừ sâu, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường. Qua đó, giúp nâng cao chất lượng sản phẩm và đảm bảo an toàn thực phẩm.
Bên cạnh những lợi ích nhìn thấy rõ, TS. Trần Quý chỉ ra việc ứng dụng công nghệ mới trong ngành Nông nghiệp Việt Nam vẫn chưa được rộng rãi. Một trong những nguyên nhân cơ bản được TS Trần Quý, Viện trưởng Viện Phát triển Kinh tế số Việt Nam chỉ ra là do giá cả phần cứng và phần mềm cho các hệ thống AI đang rất cao, nhất là trong những năm gần đây khi các công nghệ AI đang phát triển mạnh mẽ.
"Các ứng dụng, sản phẩm AI tại trong nước còn hạn chế, đa phần nông nghiệp Việt Nam phải ứng dụng giải pháp công nghệ của nước ngoài, dẫn đến chi phí đầu tư cao, người nông dân không mặn mà đầu tư”, TS. Quý nói.
Bên cạnh đó, TS. Trần Quý cho rằng, muốn áp dụng thành công AI trong nông nghiệp cũng phụ thuộc rất nhiều vào người sử dụng là người nông dân. Họ cần được đào tạo để sử dụng và hiểu rõ các công nghệ này. Muốn vậy, cần có các chương trình đào tạo và huấn luyện, cũng như tài chính và công nghệ từ chính phủ, các tổ chức tư nhân, các viện trường… Sự hỗ trợ này có thể bao gồm các khoản tài trợ để đầu tư vào các hệ thống AI và robot tự động hóa, và các dịch vụ tư vấn và hỗ trợ kỹ thuật để giúp các nông dân sử dụng các công nghệ mới.
Cùng với đó, theo ông Nguyễn Quốc Toản, Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê Nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho rằng, nhận thức và thể chế chuyển đổi số trong quản lý điều hành ứng dụng số trong nông nghiệp còn hạn chế. Nếu không có thể chế đi trước thì mọi ứng dụng không có tính chất bắt buộc thì sẽ không đi vào cuộc sống.
Hiện, ngành Nông nghiệp vẫn chưa xây dựng được kiến trúc dữ liệu ngành; chưa xây dựng được cơ sở dữ liệu lớn về truy xuất nguồn gốc, về mã số vùng trồng, vùng nuôi cũng như dữ liệu các ngành hàng. Hạ tầng thiết bị còn phân tán. Hiện có quá nhiều phần mềm chưa có nhiều sự chia sẻ và kết nối dữ liệu, trong khi nguồn lực đầu tư còn hạn chế.
Vì vậy, để chuyển đổi số nói chung, ứng dụng AI trong nâng cao năng suất nông nghiệp nói riêng đi vào cuộc sống, ông Nguyễn Quốc Toản cho rằng, vấn đề đầu tiên là phải chuyển đổi nhận thức từ nông dân đến doanh nghiệp. Bên cạnh đó, có những hướng dẫn quy định, quy trình sản xuất phải được vận hành bằng quy trình số. Đồng thời, phát triển hạ tầng số, nền tảng số, củng cố an ninh mạng cũng như dữ liệu ngành./.