Doanh số bán điện thoại thông minh ở Trung Quốc đang trên đà giảm xuống mức thấp nhất trong một thập kỷ trong năm nay khi thị trường dần bão hòa, thời gian chờ đợi lâu hơn giữa các bản nâng cấp và người tiêu dùng ngày càng thận trọng hơn trong việc móc hầu bao để sắm điện thoại. Ngoài ra, môi trường kinh tế vĩ mô đang bước vào thời kỳ bất ổn cũng có thể là một phần nguyên nhân dẫn tới điều này.
Theo Học viện Công nghệ Thông tin và Truyền thông Trung Quốc, trong nửa đầu năm 2022, doanh số bán điện thoại thông minh tại thị trường lớn nhất thế giới giảm 21,7% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống còn 134 triệu chiếc.
Dữ liệu từ đơn vị theo dõi thị trường Canalys cho thấy đã có sự sụt giảm đáng kể đối với các nhà sản xuất điện thoại thông minh hàng đầu của đất nước này là Oppo, Vivo và Xiaomi.
"Theo dự báo, doanh số bán điện thoại thông minh cả năm tại thị trường Trung Quốc có thể xuống dưới 300 triệu chiếc. Đây là con số bán hàng thấp nhất kể từ năm 2012", công ty nghiên cứu Canalys cho biết.
Sự sụt giảm nhu cầu đã được chú ý trong một chuyến thăm cửa hàng của một nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn tại trung tâm mua sắm Quảng Châu. "Người tiêu dùng đang thận trọng hơn với các khoản chi. Điều này dẫn tới doanh số bán hàng không tăng cao", một nhân viên cho biết.
Ảnh minh họa.
Một số cửa hàng ở Trung Quốc đã giảm giá khoảng 200 nhân dân tệ (30 USD) với hy vọng sẽ thu hút khách hàng. Trong khi một số công nhân cho biết đây là đợt giảm giá điển hình của mùa hè, những người khác lại chia sẻ họ đã cung cấp các phụ kiện miễn phí vào năm ngoái trước khi chuyển sang giảm giá vào khoảng thời gian này.
Tỷ lệ thâm nhập cao khiến thị trường không còn nhiều dư địa để tăng trưởng. Theo công ty nghiên cứu Newzoo của Hà Lan, khoảng 66% dân số Trung Quốc đang sở hữu điện thoại thông minh.
Nhiều chuyên gia nhận định, người tiêu dùng cũng đang có xu hướng nâng cấp thiết bị cầm tay ít thường xuyên hơn. "Trước đây là 16 đến 18 tháng, nhưng gần đây là 36 tháng", một giám đốc điều hành của Vivo cho biết.
Sự gián đoạn kinh tế gây ra bởi chính sách Zero-COVID của Trung Quốc cũng ảnh hưởng đến nền kinh tế nước này khiến người dân không có xu hướng chi tiêu tự do như trước.
Công ty nghiên cứu IDC cho biết: "Sự bùng phát COVID-19 và việc thiếu các sản phẩm nâng cấp ở phân khúc tầm trung và cao cấp đã hạn chế mức độ sẵn sàng chi tiêu của người tiêu dùng".
Tác động của sự sụt giảm nhu cầu còn vượt ra ngoài Trung Quốc. Bất chấp những căng thẳng liên quan đến công nghệ giữa Washington và Bắc Kinh, các nhà sản xuất điện thoại thông minh Trung Quốc mua các linh kiện điện tử từ nhiều công ty ở Mỹ, cũng như ở Đài Loan và Nhật Bản và các nhà sản xuất chip đã bắt đầu thấy hàng tồn kho tăng lên.