Hái chè cổ thụ
Cao Bồ - vùng đất xa xôi
So với mấy xã láng giềng, Cao Bồ, huyện Vị Xuyên, Hà Giang rộng mênh mông. Xã Phương Thiện chẳng hạn, rộng có 32,19km2; xã Phương Độ rộng 44,8km2; trong khi đó Cao Bồ rộng tới 110,4km2. Xã trải dài từ Phương Tiến, Phương Độ, Phương Thiện; đến xã Đạo Đức; Việt Lâm, Quảng Ngần, Thượng Sơn; phía Tây vươn tới xã Túng Sán (huyện Hoàng Su Phì).
Các bản Thác Tăng, Thác Tậu, Chất Tiền, Tát Khao, Tham Vè, Lùng Tao, Tham Còn, Bản Dâng, Khuổi Luông, Gia Tuyến, Thác Hùng. Bản nọ cách bản dài hun hút cả chục cây số. Người Dao đến định cư ở đây từ bao giờ chắc chưa ai nghiên cứu, chỉ biết lâu lắm rồi ngoài phát nương trồng lúa họ còn gắn bó với một loại cây đặc sản gọi là chè Shan tuyết. Đây là sản phẩm họ vẫn cung cấp các xã vùng thấp.
Nói thêm một chút về người Dao tuổi thơ tôi chỉ biết người Dao đỏ Cao Bồ đi chợ, đàn ông mặc quần áo đen, phụ nữ cũng đồ đen nhưng áo có riềm đỏ và các đồng bạc trắng trang trí. Họ đi từng đoàn, ngựa thì thồ chè, người thì đeo quẩy tấu. Họ thường ngồi nghỉ ở gốc Sổ dưới Phai Cang cạnh lớp vỡ lòng của tôi. Một hôm đi học về tôi khoe, bố ơi, hôm nay con gặp một “lạo Xả” (ông Mán) tốt ghê. Bố tôi hỏi: Tốt thế nào? tôi bảo, ông ấy hỏi con: - Cháu đã ăn cơm chưa? Bố tôi tủm tỉm cười. Với chúng tôi người Dao ví ẩn như chỗ ở của họ vậy, nơi núi rừng xa ngái.
Quê hương của những cây chè cổ thụ
Cái vùng quanh năm mây trắng phủ là quê hương của những cây chè già, bây giờ gọi là chè Shan tuyết cổ thụ, có những cây xòe tán như chiếc ô, thân chè trắng mốc, vỏ mịn, nhẵn. Cây chè mọc chênh vênh trên sườn núi, nơi thỉnh thoảng một làn mây mang hơi se se lạnh từ dưới lũng cuộn lên. Cây chè như tắm trong hơi sương, những búp non mập mạp tua tủa chĩa lên trời.
Mãi gần đây trong một lần về Hà Giang, đến Vị Xuyên ghé vào thăm anh Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc doanh nghiệp Hùng Cường, một trong những “chiến binh” tiên phong trong việc giữ gìn, bảo vệ và khai thác chè cổ thụ và tôi mới được biết Cây chè cổ thụ Cao bồ Hà Giang được Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường trao bằng công nhận cây Di sản Việt Nam.
Những cây chè tuổi đời 500-700 năm được đánh số bảo vệ
Trà Shan Tuyết là loại trà có búp to màu trắng xám, dưới lá trà có phủ 1 lớp lông tơ mịn, trắng nên người dân gọi là trà tuyết. Trà Shan Tuyết có mùi thơm dịu, nước vàng sánh màu mật ong. Trà được chế biến theo phương pháp thủ công của người dân tộc Mông, Dao với số lượng hạn chế. Chè Shan Tuyết cổ thụ là loài cây quý hiếm hấp thụ dồi dào chân khí thiên nhiên, lá chè xanh ánh vàng, chứa đựng sương gió và chất đất núi rừng phía Bắc Việt Nam, ấp ủ nên hương vị tinh khôi ngọt ngào và mùi hương rất đặc trưng.
Trên bản đồ trà thế giới, nếu các nước thuộc khu vực châu Á có thế mạnh trong ngành trà công nghiệp như Ấn Độ, Sri Lanka, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… thì Việt Nam ngoài lượng xuất khẩu dồi dào còn được sở hữu một “báu vật” đặc biệt quý hiếm khác, chính là dòng trà cổ thụ trăm năm tuổi trở lên, thuộc giống chè Shan Tuyết phát triển trên các triền núi có độ cao trung bình từ 1.000m trở lên so với mực nước biển.
Trà Shan Tuyết cổ thụ Việt Nam được mệnh danh là “đệ nhất danh trà Việt”. Do cây được sinh trưởng hoang dã tại những vùng núi cao ở miền Tây bắc Việt Nam với khí hậu lạnh và sương mù bao phủ quanh năm, độ cao 1000m đến 2800m so với mực nước biển, tốc độ sinh trưởng của chè Shan Tuyết thường chậm hơn so với chè thường. Tuy nhiên, chính môi trường sống hoang dã không có tác động của con người lại giúp cho cây chè có tuổi thọ rất cao, từ 100 đến 1000 năm tuổi và vươn mình thành những cây cổ thụ to lớn.
Quần thể 220 cây chè Shan tuyết cổ thụ có tuổi đời từ 100 năm tuổi trở lên ở xã Cao Bồ, huyện Vị Xuyên là địa phương đầu tiên của cả nước được công nhận là Cây Di sản Việt Nam không là điều lạ. Cây chè Shan tuyết không chỉ có giá trị về mặt khoa học, văn hóa mà còn là biểu trưng cho tiềm năng của một vùng đất, trở thành một địa chỉ kinh tế, một địa chỉ văn hóa, du lịch, là niềm tự hào của người dân bản địa. Công nhận cây Di sản Việt Nam cho quần thể cây chè Shan tuyết cổ thụ tiêu biểu đại diện cho vùng chè Cao Bồ có ý nghĩa rất lớn trong việc bảo vệ nguồn gen của giống chè vùng cao nổi tiếng thơm ngon, chát, ngọt, hàm lượng tanin cao là khẳng định giá trị một đặc sản của vùng cao Hà Giang.
Công dụng của Trà Shan Tuyết đã được rất nhiều các chuyên gia đánh giá cao. Một cốc trà Shan Tuyết sẽ giúp con người tỉnh táo, nâng cao tinh thần để tăng hiệu quả công việc. Hương vị chè có tác dụng làm hưng phấn thần kinh, chống mệt mỏi và tăng cường khả năng ham muốn. Trong chè còn có chứa 20-30% hợp chất diệt khuẩn, tăng cường đề kháng, ngăn ngừa tình trạng viêm nhiễm. Chè còn có khả năng phòng ngừa nhiều chứng bệnh, ngăn ngừa tình trạng lão hóa tế bào trong cơ thể… nổi bật nhất của loại trà này là giúp tăng cường hệ thống miễn dịch, hỗ trợ duy trì một hệ miễn dịch khoẻ mạnh, ngăn ngừa tổn thương tế bào, protein chống vi khuẩn.
Xã Cao Bồ có gần 1.000 ha chè Shan tuyết cả cổ thụ và trồng mới nằm trên độ cao 1.500 - 1.800 mét so với mặt nước biển phân bổ đều ở 11 bản, trên các đỉnh núi cao, dọc theo dãy Tây Côn Lĩnh, Từ năm 2011, chè Cao Bồ chính thức được Liên đoàn quốc tế về phong trào sản xuất nông nghiệp hữu cơ (IFOAM) cấp chứng chỉ chè hữu cơ - Organic. Theo thống kê, Cao Bồ có 700 ha chè cổ thụ, nhân dân trồng thêm hơn 400 ha. 220 cây chè được xếp hạng di sản Quốc gia có độ tuổi 500 - 700 năm.
Vùng chè Cao Bồ còn gắn với một giai thoại với cái tên Côr Sâus, tương truyền, đó là bản của cư dân người Hoa hay tộc người nào đó đến vùng này từ rất lâu họ trồng chè trên núi nhưng vì không làm được lúa nước nên họ phải bỏ đi để lại những cây chè mọc hoang giữa rừng. Hầu như cây chè cổ thụ nào cũng cao ít nhất từ 1 - 3,5 m, lá, cành vươn ngang tỏa bóng trên mặt đất, tán rộng tới vài mét rồi mới vươn cao thẳng đứng và ra búp non. Những cây chè cổ thụ vươn cành ngang đón ánh nắng. Cũng có những cây chè ở nơi cớm nắng không có cành ngang, chỉ có cành đứng và vươn cao hơn chục mét.
Mỗi năm Cao Bồ sản xuất hơn 200 tấn chè theo công nghệ sạch được xuất khẩu sang các nước châu Âu, châu Mỹ với giá sáu USD/kg chè đen, tám USD/kg chè xanh, sản phẩmđã đem lại cho doanh nghiệp và người làm chè một cuộc sống mới, người dân gắn bó hơn với cây chè, nghề làm chè.
Nhiều gia đình ở Cao Bồ đổi đời nhờ cây chè Shan
Vàng xanh trên núi xanh
Cách đây mấy trăm năm, ở trên rặng Tây Côn Lĩnh còn có chè Long Vĩ, dân vẫn gọi là chè rừng, nhưng ít ai hái được vì cây thì cao mà ở trong rừng sâu, nơi lúc nào cũng có sương mù ẩm ướt. Những năm 1960 - 1990, chè cổ thụ được đốn cành để hái toàn bộ búp non làm chè vàng.
Cao Bồ là nơi có nhiều cây chè cổ thụ nhất, chất lượng lại có vị thơm, ngon nổi tiếng. Đến với những nương chè, du khách không chỉ được thưởng thức chè ngon, mà còn thưởng thức vẻ đẹp của những cánh rừng chè cổ thụ xanh ngát giữa núi non trùng điệp. Gần đây, trên địa bàn xã Cao Bồ, có một số người Trung Quốc đến thỏa thuận với các hộ dân thuê lại diện tích chè Shan tuyết cổ thụ với thời gian từ 20 đến 30 năm. Điều đáng nói là họ chỉ thuê cây chè, không thuê diện tích đất trồng chè. Sau đó, chụp ảnh, quay video clip về diện tích chè đã thuê nhưng không rõ mục đích thực sự của họ là gì. Nhưng điều này cũng cho thấy cây chè vài trăm năm tuổi đang rất có giá.
Nhờ rừng chè Shan tuyết hàng trăm năm tuổi, cộng đồng người Dao tại xã Cao Bồ, huyện Vị Xuyên, Hà Giang đã và đang từng bước thoát nghèo. Đối với nhiều người dân xã Cao Bồ, cây chè không chỉ là kế sinh nhai, là con đường để từng bước thoát nghèo mà hơn thế đó còn là máu thịt và linh hồn của cả một miền phên dậu của tổ quốc. Chè Shan tuyết có có nhiều ở Tà Xùa, Sơn La hay Suối Giàng, Yên Bái nhưng nhiều nhất là ở vùng Hà Giang. Những nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng hàm lượng chất chống ung thư trong trà Shan tuyết cao gấp 11 lần trà xanh tốt nhất của Nhật Bản. Các sản phẩm trà được chế biến từ cây chè Shan tuyết phổ biến nhất là Trà xanh, Hồng trà, Bạch trà, và đặc biệt đã có nhiều cơ sở sản xuất ra loại trà bánh, hay lên men theo cách làm trà Phổ nhĩ.
Nói đến tên chè shan tuyết, đồng bào Dao ở Cao Bồ giải thích: “Chè ở đây ngon là vì nó có sương mù. Chè ngậm sương mù thành tuyết, nên mới gọi là chè tuyết.” Chẳng biết có đúng không nhưng quả thật nhìn búp chè sau khi chế biến vẫn còn một lớp lông tơ trắng mỏng mảnh, người ta còn gọi là loại Chè bám tuyết. Khi pha lên, nước chè chỉ phơn phớt vàng. Nhấp một ngụm, người tinh tế có thể trải qua đủ các cảm giác. Đắng chát, ngai ngái, sau vị ngòn ngọt man mác nơi đầu lưỡi, tỏa ra cả đáy họng.
Đưa công nghệ mới vào chế biến
Thoát nghèo từ cây chè cổ
Chè chúng tôi làm ra không đủ để bán trong nước. Nhờ chè mà bà con có thêm được nguồn thu đáng kể, có công ăn việc làm ổn định. Bình quân mỗi gia đình, thu nhập từ trồng chè khoảng 42-43 triệu đồng/năm. Người dân địa phương hoàn toàn không sử dụng bất cứ một loại thuốc trừ sâu hay phân bón hóa học nào trong suốt quá trình sản xuất. Tất cả các khâu từ trồng, thu hoạch, chế biến… đều được làm thủ công tự nhiên theo phương thức cổ truyền. Tất nhiên nhiều khâu đã được sử dụng công nghệ mới để nâng cao chất lượng.
Mọi người dân được quán triệt chỉ sản xuất theo hướng hữu cơ hoàn toàn. Vì vậy, ngay từ năm 2014, Tổ chức ACT của Thái Lan (một tổ chức kiểm tra và chứng nhận các tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ quốc tế) đã cấp chứng chỉ chè hữu cơ - Organic Cao Bồ, có những nhà giàu lên nhờ trồng chè với thu nhập vài trăm triệu đồng/năm. Thứ đặc sản vùng cao Hà Giang đã và đang từng bước chinh phục được một loạt thị trường khó tính ở nước ngoài.
Mỗi năm, 1/4 sản lượng chè ở đây thông qua Công ty Trà hữu cơ Cao Bồ đóng gói, chế biến để “lên đường” sang Đức, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Quốc, Mỹ, Canada. Chè sản xuất ra bao nhiêu tiêu thụ hết bấy nhiêu. Phản hồi từ các đối tác nước ngoài là rất tích cực. Chúng tôi đang nỗ lực biến cây chè thành lợi thế, chuyển đổi từ cây giúp thoát nghèo trở thành thứ cây đặc sản mà nhắc tới nó người ta sẽ nhớ tới Cao Bồ, nhớ tới Hà Giang. Giá trị thật của vùng chè Cao Bồ đã mở hướng phát triển bền vững cho vùng chè Shan tuyết vốn được coi là “vàng xanh” của núi rừng. Anh Hùng nói.
Sản phẩm được nghiên cứu một cách khoa học, bao bì mẫu mã hiện đại
Từ mô hình sản xuất chè hữu cơ Xã Cao Bồ, huyện Vị Xuyên, chè đã mọc khắp nơi tập trung nhiều trên sườn núi cao thuộc dãy Tây Côn Lĩnh. Sản phẩm chè nơi đây là sạch tự nhiên bởi môi trường trong lành, không bị tác động từ các chế phẩm hóa học. Trước kia, người dân tự thu hái, sao chế làm chè vàng rồi bán cho thương lái, giá bấp bênh, đầu ra không ổn định. Ai cũng biết búp chè Shan được hái trên núi cao là quý nhưng với cách làm chè thủ công theo kinh nghiệm nên người nông dân thì khó nâng cao giá trị sản phẩm.
Khi chính quyền, doanh nghiệp vào cuộc triển khai dự án liên kết “bốn nhà” cùng gìn giữ, xây dựng vùng nguyên liệu để sản xuất chè hữu cơ thì giá trị vùng chè Cao Bồ được nâng lên, búp chè được hái, chế biến theo một quy trình khoa học giúp sản phẩm chè Hà Giang vươn xa tới tận châu Âu, châu Mỹ. Ðó là cả một quá trình hợp tác, nghiên cứu, đầu tư vào cây đặc sản này. Công ty chè ký cam kết với từng hộ dân, bao tiêu toàn bộ sản phẩm với giá cả ổn định. Công ty phối hợp chính quyền tuyên truyền, nâng cao nhận thức, tổ chức tập huấn kỹ thuật chăm sóc, thu hái chè theo quy trình canh tác hữu cơ cho nông dân.
Giới sành trà thì không thể không biết đến Chè cổ thụ nức tiếng Cao Bồ. Tận mắt đến đây bạn mới cảm nhận rõ sự kỳ vĩ của nó tại đây, những cây chè cổ thụ bao nhiêu năm vẫn cứ bám trụ trên vách núi, uống từng giọt sương rơi, tắm nắng sớm mai, chắt chiu từng nguồn dinh dưỡng từ mảnh đất nơi này và ngày ngày được hấp thụ mạch nước dưới khe - thứ nước được cho làm nên quốc hồn cho giống trà nơi đây, những búp chè có một không hai, vị ngọt đậm đà và hương thơm đặc trưng không lẫn vào đâu được.
Con đường phát triển vẫn gian nan nhưng chân trời đã mở
Với sự kiện hơn 220 cây chè Shan cổ thụ ở xã Cao Bồ được Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam công nhận là cây di sản, đã góp phần giúp địa phương gìn giữ, bảo tồn, tôn vinh giống chè cổ thụ. Hiện thực hóa định hướng phát triển vùng chè đặc sản Hà Giang với hơn 20.000 ha, trong đó 60% diện tích là chè Shan cổ thụ tại các xã vùng cao thuộc các huyện Hoàng Su Phì, Quang Bình, Vị Xuyên, Xín Mần.
Diện tích trồng chè tiếp tục phát triển
Hiện, trên địa bàn tỉnh Hà Giang có hàng chục doanh nghiệp và hơn 20 hợp tác xã hoạt động sản xuất, kinh doanh chè. Trong đó, không nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã có đủ tiềm lực kinh tế, kinh nghiệm và uy tín, có khả năng liên kết người nông dân sản xuất chè hữu cơ. Ðây cũng là vấn đề được ngành chức năng tỉnh tìm hướng giải quyết. “Tỉnh sẽ dựa vào số ít doanh nghiệp hạt nhân đủ mạnh trong chế biến, xuất khẩu làm đầu tàu, từ đó xây dựng mối liên kết với các doanh nghiệp, hợp tác xã nhỏ làm vệ tinh, hướng tới xây dựng thương hiệu chung cho sản phẩm chè hữu cơ Hà Giang, chứ không để tình trạng quá nhiều nhãn hiệu, thương hiệu chè như hiện nay. Ông Nguyễn Văn Sơn Chủ tịch UBND tỉnh nói.
Sau khi phân định vùng nguyên liệu, xác định doanh nghiệp hạt nhân tham gia vào chuỗi liên kết sản xuất chè hữu cơ, tỉnh Hà Giang xây dựng chính sách đặc thù có cơ chế, chính sách nhằm giải quyết vấn đề tài chính cho doanh nghiệp và nông dân. Theo đó, tỉnh đã có các chính sách hỗ trợ sản xuất hàng hóa, trong đó cây chè Shan là một trong năm loại cây, con chủ lực được ưu tiên.
Hiện, một số chính sách khuyến khích phát triển cây nông nghiệp, công nghiệp ngắn ngày đang được tỉnh Hà Giang thực hiện tiếp sức cho các doanh nghiệp và người làm chè như hỗ trợ từ 40 đến 60% kinh phí xây dựng các hạng mục hạ tầng kỹ thuật gắn với chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu với mức hỗ trợ không quá hai tỷ đồng/nhà máy; hỗ trợ 50% lãi suất tiền vay tại các tổ chức tín dụng với thời gian 24 tháng, mức tiền vay được hỗ trợ lãi suất 100 triệu đồng đối với hộ gia đình, 200 triệu đồng đối với các doanh nghiệp và hợp tác xã; hỗ trợ từ một đến hai trăm triệu đồng xúc tiến thương mại cho các doanh nghiệp có giá trị các hợp đồng xuất khẩu từ 200.000 USD trở lên…
“Ngoài việc nghiên cứu chính sách đặc thù để giải quyết vấn đề tài chính cho doanh nghiệp, tỉnh ban hành các chính sách giải quyết những vấn đề trong xây dựng, thực hiện chuỗi giá trị chè hữu cơ, lấy doanh nghiệp là chủ thể trong xây dựng chuỗi giá trị này, trong đó tập trung hỗ trợ doanh nghiệp khâu chế biến, tiêu thụ, quảng bá sản phẩm, hỗ trợ các hộ nông dân tham gia vào chuỗi giá trị thông qua các mối liên kết.
Trồng chè đang là sinh kế của 715 trong tổng số 725 hộ dân, trong đó trên 640 hộ tham gia sản xuất chè hữu cơ. Việc công nhận cây di sản cho quần thể 220 cây chè Shan tuyết Cao Bồ góp phần quảng bá thương hiệu chè nơi đây; đồng thời giúp người dân yên tâm chuyên canh cây chè, chăm sóc và bảo vệ chè cổ thụ theo phương pháp VietGAP để tránh ảnh hưởng đến chất lượng chè.
Nhận rõ lợi ích của việc công nhận cây di sản đối với cây chè Shan tuyết Cao Bồ, bởi người dân nơi đây đã dần chuyển đổi hình thức sản xuất chè từ tự cung tự cấp sang sản xuất hàng hóa và nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo vệ chè di sản Shan tuyết. Nhưng việc công nhận chỉ là tiền đề và chưa đủ để chè Shan tuyết Cao Bồ “sống” bền vững trong cơ chế thị trường hiện nay. Nhằm khuyến khích các hộ dân bảo tồn chè Shan tuyết cổ thụ và thi đua phát triển sản xuất, xã Cao Bồ đã thành lập 4 nhóm sở thích sản xuất chè; mỗi nhóm có khoảng 10 - 20 hộ tham gia và chia sẻ kinh nghiệm trồng, chăm sóc, thu hái và chế biến chè.
Bảo tồn và phát triển cây chè cổ thụ người Dao Cao Bồ bắt đầu biết làm du lịch
Huyện Vị Xuyên đang đẩy mạnh sản xuất theo hướng nâng cao giá trị của sản phẩm chè, trong đó sản xuất gắn với trách nhiệm và uy tín, thương hiệu của từng hộ nông dân. Giai đoạn 2016 - 2020 đã làm tốt, huyện tiếp tục quy hoạch chuyển đổi 100% diện tích chè kinh doanh sang thực hiện theo tiêu chuẩn VietGAP và chè hữu cơ để đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm cho vùng chè nguyên liệu. Đối với các xã vùng cao, huyện Vị Xuyên sẽ triển khai quy hoạch vùng chè Shan tuyết hữu cơ với tổng diện tích là 2.720 ha, đến năm 2025 đưa diện tích được chứng nhận hữu cơ lên khoảng 2.000 ha.
Bên cạnh những cơ hội, hội nhập quốc tế cũng đặt ra thách thức không nhỏ cho nền kinh tế nước ta bởi đây là sân chơi toàn cầu với những yêu cầu và đòi hỏi khắt khe. Điều đáng mừng là chè Shan tuyết hữu cơ Cao Bồ đã chinh phục thành công nhiều thị trường khó tính trên thế giới như Đức, Canada, Mỹ và chưa bao giờ bị đối tác trả lại. Trên vùng núi Tây Côn Lĩnh địa đầu Tổ quốc từ hàng trăm năm về trước thiên nhiên và núi rừng đã ban tặng một món quà vô giá có một không hai ở Việt Nam. Đó là những “Cây trà thủy tổ” trong truyền thuyết nằm ở xã Cao Bồ, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang.
Đây là địa phương đầu tiên của cả nước được công nhận là Cây Di sản Việt Nam với số lượng lớn. Cây chè Shan tuyết không chỉ có giá trị về mặt khoa học, văn hóa mà còn là biểu trưng cho sức sống mạnh mẽ của vùng đất vùng cao. Các ngành, các cấp đang tạo mọi điều kiện thuận lợi để bảo tồn nguồn gen quý hiếm của cây Chè Shan tuyết cổ thụ, xây dựng thương hiệu để cây chè Cao Bồ ngày càng vươn xa trên thị trường trong và ngoài nước, từng bước góp phần thúc đẩy phát triển du lịch sinh thái, du lịch văn hóa nhân văn song song với việc bảo tồn và phát huy giá trị của cây chè Shan, đồng thời thúc đẩy ngành du lịch của tỉnh Hà Giang phát triển./.