Cụ thể, trong năm vừa qua, nhập khẩu điện thoại và linh kiện của Việt Nam đạt 21,1 tỷ USD, giảm 1,6% so với năm 2021 và chiếm trên 5,9% tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của cả nước. Trong đó, kim ngạch của khối doanh nghiệp FDI đạt 20,1 tỷ USD, giảm 0,9% so với năm trước và chiếm 95,4% tổng kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng.
Riêng nhập khẩu điện thoại di động nguyên chiếc, trong năm 2022 đạt trị giá trên 3,5 tỷ USD, tăng 10,5% so với năm 2021 và chiếm 16,6% tổng trị giá nhập khẩu nhóm hàng điện thoại và linh kiện.
Điện thoại iPhone, Samsung, Oppo, Xiaomi là những thương hiệu điện thoại được nhập khẩu nhiều nhất về Việt Nam (chiếm 93,43%). iPhone đứng đầu khi chiếm 46,05% tổng kim ngạch nhập khẩu điện thoại nguyên chiếc của cả nước (1,162 tỷ USD). Samsung đứng thứ 2 với kim ngạch nhập khẩu gần 940 triệu USD, Oppo hơn 442 triệu USD…
Về linh kiện, phụ kiện điện thoại, trong năm 2022 đạt trị giá nhập khẩu trên 17,62 tỷ USD, giảm 3,7% so với cùng kỳ năm 2021. Linh kiện nhập khẩu chủ yếu từ các doanh nghiệp khác với tỷ trọng lên đến hơn 99%, thị phần các hãng lớn như LG, Samsung chiếm tỷ trọng không đáng kể.
Ảnh minh họa.
Về thị trường nhập khẩu, năm 2022, nhập khẩu từ thị trường Hàn Quốc và Trung Quốc vẫn chiếm chủ yếu tỷ trọng nhập khẩu điện thoại và linh kiện. Riêng kim ngạch nhập khẩu từ 2 thị trường này chiếm tới hơn 92% tổng kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng.
Cụ thể, kim ngạch nhập khẩu từ Hàn Quốc đạt 11,5 tỷ USD, tăng 7,2% so với năm 2021, chiếm 54,4% tổng nhập khẩu mặt hàng điện thoại và linh kiện. Nhập khẩu từ Trung Quốc đạt 8 tỷ USD, giảm 12,7% so với năm 2021, chiếm tỷ trọng 38,2%.
Mặc dù chiếm tỷ trọng không cao, tuy nhiên nhập khẩu linh kiện phục vụ sản xuất từ Hong Kong liên tục tăng ấn tượng. Năm 2022, kim ngạch nhập khẩu điện thoại và linh kiện từ thị trường này tăng hơn 146,7% so với năm 2021.
Việt Nam sản xuất 210 triệu chiếc điện thoại di động trong năm 2022
Ngược lại, trong năm vừa qua, Việt Nam cũng sản xuất được khoảng 210 triệu chiếc điện thoại, giảm 9,1% so với năm 2021. Trị giá sản xuất linh kiện điện thoại đạt khoảng 663.700 tỷ đồng, tăng 15,1% so với năm 2021.
Thái Nguyên và Bắc Ninh đóng góp hầu hết sản lượng điện thoại sản xuất tại Việt Nam. Trong đó, Thái Nguyên sản xuất được hơn 102 triệu chiếc, Bắc Ninh sản xuất được gần 90 triệu chiếc điện thoại.
Việt Nam xuất khẩu điện thoại nguyên chiếc đạt 33,3 tỷ USD, tăng 0,67% so với năm 2021, chiếm 57,4% tổng trị giá xuất khẩu nhóm hàng. Trong đó, xuất khẩu điện thoại Samsung đạt trên 31,4 tỷ USD, chiếm 95% tổng kim ngạch xuất khẩu điện thoại nguyên chiếc của cả nước.
Xuất khẩu linh kiện, phụ kiện điện thoại đạt trên 24,7 tỷ USD, tăng 1% so với năm 2021. Trong đó, xuất khẩu các loại linh kiện khác chiếm tỷ trọng chủ yếu với kim ngạch hơn 20 tỷ USD, chiếm 98%, xuất khẩu linh kiện của các hãng Samsung, LG, Asus, iPhone chiếm tỷ trọng không đáng kể.
Năm 2022, các thị trường xuất khẩu chính của nhóm hàng điện thoại và linh kiện là: Trung Quốc, Mỹ, EU, Hàn Quốc, UAE, Hong Kong (Trung Quốc) Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu năm 2022 đạt 16,3 tỷ USD, tăng 7,1% so với 2021. Đứng thứ hai là thị trường Mỹ với kim ngạch 11,9 tỷ USD./.