Để ổn định khí hậu ao, cũng như có nguồn thức ăn cho ốc, ông Thế thường trồng mùng trước khi xuống giống.
Từ những thửa ruộng tưởng chừng “ bỏ đi”, ông Lô Văn Thế (SN 1971) trú tại thôn Kh La, xã Thanh Tân, huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa đã cải tạo thành ao nuôi ốc nhồi và đã gặt hái được thành quả ngoài mong đợi.
Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất nghèo lam lũ, quanh năm gắn bó với đồng ruộng nên ngay từ nhỏ ông Thế luôn tìm tòi, tạo dựng lối đi riêng với mong muốn kiếm thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống.
Khi những người dân trong thôn bản đều cặm cụi cày cấy lo toan cho mùa màng thì ông Thế lại đi buôn hoa quả. Cũng từ đây, ông được tiếp cận nhiều với nhiều mô hình phát triển kinh tế từ những nơi khác. Với bản tính ham học hỏi, đam mê nghiên cứu, trên đường đi giao hoa quả, hễ gặp bất cứ mô hình phát triển kinh tế nào ông đều dừng xe lại học hỏi kinh nghiệm từ chủ trang trại.
Sau nhiều lần áp dụng các mô hình trồng cây ăn quả như ổi tứ quý, chanh leo… nhưng đều thất bại do thổ nhưỡng không phù hợp. Nhận thấy, nuôi ốc nhồi đem lại kinh tế cao, công chăm sóc lại ít nên ông quyết tâm đầu tư, phát triển mô hình này. Cuối năm 2019, khi đã tích cóp được ít vốn, ông Thế bắt đầu quây bạt để nuôi thử nghiệm. Sau 1 năm, nhận thấy thu nhập cao nên ông quyết định vay mượn thêm, cải tạo lại những thửa ruộng bỏ hoang thành ao nuôi ốc.
Ông Thế kể: “Do tôi thường xuyên đi buôn hoa quả khắp nơi nên được tiếp xúc nhiều với các mô hình hay để phát triển kinh tế. Sau mấy lần thử nghiệm với mô hình trồng các loại cây ăn quả nhưng đều thất bại do thổ những và khí hậu không hợp nên nhiều lúc tôi đã nghĩ đến cảnh cam chịu số phận. Lúc đang túng quẫn vì không biết xoay sở thế nào thì cơ may lại đến với tôi, khi được người cháu họ ở xã Mậu Lâm, huyện Như Thanh giới thiệu cho mô hình nuôi ốc nhồi. Từ hôm đó, tôi nghỉ hẳn việc buôn bán hoa quả, dành dụm tiền lên trực tiếp để tham quan, học tập kỹ thuật và cũng mua ốc về để nuôi thử nghiệm”.
Thời gian đầu, do chưa có ao, nên ông Thế chỉ mua bạt, đóng cọc xung quanh thành ao nổi để nuôi. Bao nhiêu tâm huyết, cùng với những kiến thức đã có được ông Thế đổ dồn vào đây. Với những cố gắng không biết mệt mỏi, cuối cùng lứa ốc nhồi đầu tiên của ông đã cho thu hoạch, đem lại giá trị cao, từ đó thay đổi nhận thức của ông và các thành viên trong gia đình.
Bà Lê Thị Thủy, vợ ông Thế hồi tưởng: “Ban đầu thấy ông nhà tôi mua bạt lớn tạo thành ao nổi nuôi ốc, mẹ con chúng tôi đều phản đối và nghĩ chỉ làm bể đựng nước mưa, chứ nuôi thì lấy đâu ra lợi nhuận. Nhưng sau 3 tháng chăm sóc, lứa ốc đầu tiên đã cho thu hoạch với giá 80.000 đồng/kg nên mẹ con chúng tôi đều ủng hộ”.
Được sự hậu thuẫn của gia đình, ông Thế tiếp tục vay thêm ngân hàng cải tạo lại những thửa ruộng kém hiệu quả thành ao để nuôi ốc. Ngoài ra, ông còn dành nhiều thời gian nghiên cứu, tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật về chăn nuôi.
Vợ chồng ông Thế đang kiểm tra, phân loại ốc trước khi xuất ao.
Từ những hướng đi đúng đắn cộng với sự nỗ lực không biết mệt mỏi, đến nay gia đình ông Thế đã cải tạo, nâng cấp được 7 ao nuôi ốc từ những thửa ruộng kém hiệu quả với diện tích khoảng 1.500 m2, đem lại thu nhập ước tính khoảng 300 triệu đồng mỗi năm.
Ông Thế cho biết: “Nuôi ốc không mất nhiều thời gian như những con khác, chỉ cần đảm bảo đúng kỹ thuật, ổn định được nguồn nước thì từ 3 tháng ốc đã bắt đầu cho thu hoạch”.
Bên cạnh đó, ông còn nghiên cứu thành công kỹ thuật ấp trứng, ươm phôi ốc giống khỏe, ít dịch bệnh, phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng của địa phương nên được nhiều người quan tâm, đặt mua với gia trị 1,2 triệu đồng/kg ốc giống
Nghề nuôi ốc cho thu nhập cao, nhưng cũng gặp không ít rủi ro về nguồn nước và thức ăn. Những tháng mùa đông, ốc thường chết nhiều, đa số những phôi giống thời điểm này đều bỏ đi, vì không thể sinh trưởng và phát triển được.
Ông Thế nói về kỹ thuật ấp trứng, tạo phôi khỏe.
“Để nuôi ốc hiệu quả, thứ nhất cần chủ động được nguồn nước, nếu như lấy nước ruộng rất dễ bị thuốc phun của các hộ khác khiến ốc chết nhiều, ngoài ra cần để ý thức ăn cho chúng, nhiều loại ăn không phù hợp dẫn đến ốc bị bệnh sưng vòi rồi chết”, ông Thế chia sẻ.
Để ao nuôi đáp ứng được yêu cầu về điều kiện khí hậu cũng như chủ động trong nguồn thức ăn, trước khi xuống giống ốc, ông Thế thường trồng mùng nước, hoặc thả bèo, từ đó giúp ao luôn ổn định nhiệt độ vừa phải. Ngoài ra cũng giúp cho ốc có thêm nguồn thức ăn. Mực nước ở trong ao sẽ cao dần theo độ cao của mùng, để cho ốc có thể dễ dàng lấy thức ăn.
Với lối đi riêng biệt, không chịu khuất phục khó khăn, từ một người bán buôn hoa quả, sau nhiều năm tìm tòi, ông Thế đã tạo dựng cho mình mô hình nuôi ốc mang lại thu nhập cao, từng bước ổn định cuộc sống, được đông đảo bà con nhân dân trong và ngoài địa phương đến tham quan học tập. Đây được xem là mô hình tiên phong về nuôi ốc đem lại hiệu quả kinh tế cao của xã nhà.