Vĩnh Phúc: Thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số

14/03/2023 14:38

Vĩnh Phúc được coi là tỉnh tiềm năng về phát triển kinh tế số với hơn 9.000 doanh nghiệp đang hoạt động, tuy nhiên, số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ số còn hạn chế; tỷ lệ ứng dụng công nghệ số vào hoạt động sản xuất, kinh doanh vẫn chưa cao.

Xác định phát triển doanh nghiệp công nghệ số là nhiệm vụ trọng tâm trong chính sách phát triển kinh tế số-xã hội số, đẩy mạnh thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư, tỉnh đang nỗ lực thực hiện các giải pháp thúc đẩy phát triển doanh nghiệp ứng dụng, chuyển giao, nghiên cứu và phát triển các sản phẩm, nền tảng, giải pháp dựa trên công nghệ số. 

Là doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ phần cứng - hạ tầng - viễn thông, những năm gần đây, Viettel Vĩnh Phúc luôn sẵn sàng đồng hành cùng chính quyền tỉnh xây dựng nền kinh tế số và kiến tạo xã hội số. Bên cạnh đầu tư xây dựng hạ tầng số, nền tảng số, tiên phong phủ sóng 5G, Viettel Vĩnh Phúc còn chủ động nghiên cứu, triển khai các giải pháp, nền tảng số cho doanh nghiệp cũng như phục vụ chiến lược chuyển đổi số quốc gia. Trong đó, một số giải pháp, ứng dụng nền tảng đang được triển khai hiệu quả như: Nền tảng quản lý tiêm chủng, khám chữa bệnh từ xa, dịch vụ thu phí không dừng ePass, dịch vụ Viettel Money, dịch vụ kê khai thuế qua mạng, hệ thống phần mềm quản lý trường học, dịch vụ thành phố thông minh…

v-1678759272-1678779395.jpeg

Viettel Vĩnh Phúc không ngừng phát triển hạ tầng, nỗ lực cùng chính quyền thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số

Viettel Vĩnh Phúc cũng luôn khẳng định vai trò, phát huy thế mạnh của doanh nghiệp công nghệ số trong đồng hành, hỗ trợ các cơ quan, đơn vị, người dân, doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số; sát cánh cùng cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện các nhiệm vụ chính trị như: Phòng, chống lụt bão, bảo đảm thông tin liên lạc, trực tiếp góp phần cải thiện chỉ số cạnh tranh của tỉnh thông qua việc cung cấp các giải pháp dịch vụ công mức độ 3 và 4.

Từ hai trạm 5G đã được lắp đặt, theo lộ trình trong năm 2023, doanh nghiệp sẽ triển khai 5G tại khu du lịch Tam Đảo, Tây Thiên và các khu công nghiệp. Công nghệ 5G kết nối vạn vật sẽ làm tăng tốc độ đường truyền, triển khai nhiều giải pháp tự động hóa, giao thông thông minh, đèn đường thông minh, trường học thông minh… Với nền tảng hạ tầng như hiện nay, doanh nghiệp có thể hỗ trợ rất nhiều cho tỉnh phát triển kinh tế số, xã hội số.

Theo số liệu thống kê, hiện số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ số còn hạn chế; tỷ lệ ứng dụng công nghệ số vào hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp chưa cao. Toàn tỉnh hiện có khoảng 285 công ty, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin, điện tử với các sản phẩm chủ yếu là thiết bị điện tử, linh kiện điện tử…Ngoài các doanh nghiệp FDI, DDI, chất lượng các doanh nghiệp đăng ký hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin, điện tử còn lại trên địa bàn tỉnh chưa thực sự có tính chất sáng tạo, đổi mới, chủ yếu thực hiện dịch vụ nhỏ, gia công lắp ráp.

Hướng tới xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh, phát triển kinh tế số, ứng dụng thành tựu công nghệ số rộng khắp trong các lĩnh vực kinh tế-xã hội và thực hiện chuyển đổi số, tỉnh đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 có tối thiểu 300 doanh nghiệp công nghệ số, năm 2030 có tối thiểu 1.100 doanh nghiệp công nghệ số. Trong đó, xác định rõ các loại doanh nghiệp công nghệ số cần tập trung phát triển, gồm: Các tập đoàn, doanh nghiệp thương mại, dịch vụ lớn trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội chuyển hướng hoạt động sang lĩnh vực công nghệ số, đầu tư, nghiên cứu công nghệ lõi đặt chi nhánh tại Vĩnh Phúc; các doanh nghiệp công nghệ thông tin đã khẳng định được thương hiệu đảm nhận các sứ mệnh tiên phong nghiên cứu, phát triển, làm chủ công nghệ số và chủ động trong sản xuất; các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số để tạo ra các sản phẩm, dịch vụ mới trong các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội; các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo về công nghệ số.

Để đạt mục tiêu trên, tỉnh tiếp tục tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp về phát triển doanh nghiệp công nghệ số, tuyên truyền chiến lược Make in Viet Nam để các doanh nghiệp công nghệ số thực hiện tốt chiến lược này; xây dựng và triển khai có hiệu quả các chính sách khuyến khích về phát triển doanh nghiệp công nghệ số, hỗ trợ việc đăng ký và thành lập doanh nghiệp công nghệ số mới, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp công nghệ số về thủ tục gia nhập thị trường; ưu tiên đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này.

Đồng thời, tạo điều kiện để các doanh nghiệp phát triển sản phẩm số, nội dung số phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; đẩy mạnh ứng dụng nền tảng công nghệ số dùng chung do tỉnh quản lý, phát triển sản phẩm số trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội; bổ sung nội dung phát triển doanh nghiệp công nghệ số trong các diễn đàn, hội nghị, hội thảo nhằm kêu gọi các doanh nghiệp số trong và ngoài nước tham gia nhằm mục đích xúc tiến doanh nghiệp công nghệ số đầu tư vào tỉnh.

Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số, hình thành các doanh nghiệp công nghệ số, ứng dụng thành tựu công nghệ số rộng khắp trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh cũng đã ban hành Kế hoạch số 163 về việc triển khai chương trình xác định mức độ chuyển đổi số doanh nghiệp và hỗ trợ thúc đẩy doanh nghiệp chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc; giao các sở, ngành, địa phương thúc đẩy chuyển đổi số doanh nghiệp nhỏ và vừa, tổ chức tập huấn, phối hợp với các doanh nghiệp triển khai đưa hộ nông dân lên sàn thương mại điện tử,... Đến nay, toàn tỉnh có khoảng 4.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh đã sử dụng các nền tảng số./.

Bạn đang đọc bài viết "Vĩnh Phúc: Thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số" tại chuyên mục Công nghệ. Mọi thông tin xin gọi hotline (0896.530.666) hoặc email (doanhnghiepvadoisong@gmail.com).