Thành Nhà Hồ, thu hút đông đảo du khách đến tham quan, nghiên cứu
Thành Nhà Hồ thuộc địa phận 2 xã Vĩnh Long và Vĩnh Tiến, huyện Vĩnh Lộc, là một trong những công trình kiến trúc bằng đá độc đáo bậc nhất của Việt Nam và thế giới được xây dựng vào năm 1397 cuối thời nhà Trần, với tên gọi Tây Đô. Đến năm 1400, Hồ Quý Ly lên ngôi vua, lấy quốc hiệu là Đại Ngu. Từ đó, thành nhà Hồ chính thức trở thành kinh đô của triều đại mới.
Trải qua hơn 600 năm tồn tại với bao biến cố của lịch sử, ngày 27-6-2011, Thành Nhà Hồ chính thức được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới. Thành có kết cấu gồm 4 hạng mục là: Thành nội, La thành, hào thành và đàn tế nam giao.
Thành nội, được xây dựng theo hình chữ nhật dài 870,5m theo chiều Bắc - Nam và 883,5m chiều Đông - Tây. Bốn cổng thành Nam - Bắc - Tây - Đông gọi là tiền - hậu - tả - hữu. Các cổng của thành nội đều xây kiểu vòm cuốn, đá xếp múi, các phiến đá được xây dựng đặc biệt lớn, được ráp với nhau một cách tự nhiên, không chất kết dính.
Không gian ngoài trời, nơi trưng bày các hiện vật bằng đá
Về kết cấu Hào thành, có chiều rộng khoảng 90m, có phần đáy rộng 52m, chiều sâu khoảng 6.5m. Tại đây, các nhà khảo cổ học đã phát hiện ra nhiều đá hộc, đá dăm dùng để lót dưới đáy giúp cho Hào thành có độ chắc chắn hơn.
La thành, hiện tại là tòa thành đất cao 6m, bề mặt rộng 9.2m, mặt ngoài dốc đứng, phía trong thoai thoải, mỗi bậc cao 1.5m, một số vị trí có lát thêm sỏi để gia cố. Toàn bộ La thành xây dựng dựa theo địa hình tự nhiên, tạo nên bức tường thiên nhiên hùng vĩ, có chức năng bảo vệ tòa thành và phòng chống lũ lụt.
Các hiện vật trưng bày bên trong bao gồm đạn đá, và các loại gốm sứ
Đàn tế Nam giao, được xây dựng ở phía Nam thành nhà Hồ, phía bên trong của La thành với diện tích là 35.000m2. Đàn tế được chia làm nhiều tầng, trong đó tầng đàn trung tâm cao 21.7m. Chân đàn cao khoảng 10.5m. Phần đàn tế trung tâm bao gồm ba vòng tường bao bọc lẫn nhau.
Xuất phát từ thực tiễn tại khu di sản Thành Nhà Hồ, cũng như xu thế hướng về cội nguồn dân tộc trong thăm quan du lịch hiện nay, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ đã tích cực xây dựng các tuyến thăm quan khu di sản để phục vụ nhu cầu thăm quan của du khách, trên cơ sở khai thác và phát huy những thế mạnh từ các làng cổ ở ngay cạnh di sản Thành Nhà Hồ, trong đó có khu vực phía Đông di sản và làng cổ Đông Môn xã Vĩnh Long, huyện Vĩnh Lộc có đầy đủ các yếu tố để cấu thành khu vực thăm quan trọng điểm kết hợp thăm quan di sản Thành Nhà Hồ với làng cổ phụ cận thuộc khu vực lõi di sản Thành Nhà Hồ.
Theo báo cáo của Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ, trong năm 2022, đơn vị đã đón tiếp và giới thiệu về di sản Thành Nhà Hồ cho 200.0000/135.000 lượt khách tham quan (trong đó, khách trong nước: 199.050 lượt khách; quốc tế: 950 lượt, chiếm 0,5%).
Ông Nguyễn Văn Long, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản cho biết: “Để góp phần đưa Di sản thế giới Thành nhà Hồ tiếp cận công chúng và khách tham quan, trong những năm qua, Trung tâm Bảo tồn đã phối hợp với Sở VHTT&DL đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá du lịch thông qua các hình thức như trưng bày, triển lãm, đăng mạng xã hội, quảng bá trực tuyến.
Song song với đó, Trung tâm Bảo tồn Di sản cũng chú trọng xây dựng hệ thống thông tin, đón tiếp du khách ghé thăm, dựng bảng biển giới thiệu, nâng cao chất lượng hướng dẫn viên. Ngoài ra, cơ sở hạ tầng, cảnh quan môi trường, vệ sinh, cây cỏ... cũng được quy hoạch, nâng cấp để tiện đón tiếp khách du lịch”.
Tuy nhiên, trong quá trình Bảo tồn, khai thác du lịch ở đây cũng gặp không ít khó khăn vướng mắc như: Sản phẩm du lịch còn nghèo nàn, chưa thật sự phong phú, cơ sở hạ tầng, lưu trú, bến bãi phục vụ tại khu di sản chưa được đầu tư một cách đồng bộ; Lượng khách đến tham quan di sản chưa tương xứng với tiềm năng vốn có của di sản; Hoạt động khai thác phát triển du lịch trên địa bàn khu di sản chưa thực sự đem lại nguồn thu hấp dẫn, chưa khuyến khích sự tham gia nhiều hơn đối với cộng đồng.
Cũng theo ông Long, để khai thác hiệu quả du lịch của Di sản văn hóa thế giới cần tập trung Tổ chức các lớp bồi dưỡng, đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch tại chỗ, nhân lực du lịch cộng đồng, từ đó đa dạng hóa các sản phẩm du lịch góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ. Từ đó kích thích tiêu dùng tạo ra những sản phẩm mang giá trị đặc trưng, làm thỏa mãn các nhu cầu đa dạng của khách du lịch, tăng thu nhập cho người dân địa phương và đem lại nguồn tài chính đáng kể, góp phần làm tốt công tác bảo tồn./.