Cách mà Apple tránh được làn sóng "sa thải hàng loạt" nhân viên

15/02/2023 09:47

Trong thời kỳ đại dịch, hầu hết các công ty công nghệ đã tăng trưởng nóng, tương ứng với việc phải tuyển dụng nhiều. Tuy nhiên vào cuối năm 2022, đầu năm 2023 nhiều tập đoàn công nghệ lớn đang cắt giảm hàng ngàn nhân sự để cố gắng kiểm soát tình hình tài chính.

Khi những “gã khổng lồ” công nghệ như Google, Amazon, Microsoft và những công ty khác tuyên bố sa thải hàng loạt nhân viên, nhiều người trong ngành công nghệ đã nín thở chờ đợi động thái của Apple.

Tuy nhiên cho đến nay, Apple vẫn là một trong số ít các công ty công nghệ tránh được việc cắt giảm nhân sự ồ ạt. Một báo cáo mới từ Bloomberg đã cho thấy những điều khác biệt mà Apple đã trong vài năm qua để giúp công ty có khả năng vượt qua tình hình vĩ mô đầy tính thách thức hiện nay mà không cần sa thải nhân viên.

Một trong những lựa chọn quan trọng là cách Apple đã sử dụng để thuê nhân viên mới trong thời kỳ đại dịch. Trong khi các công ty như Amazon, Meta và Salesforce tăng gần gấp đôi lực lượng lao động của họ từ năm 2019 tới 2022 với mức tăng trưởng xấp xỉ 100% về số lượng nhân viên, thì Apple chỉ tăng 20% số lượng nhân viên của mình.

Alphabet và Amazon gần đây đã sa thải khoảng 30.000 nhân viên. Trong khi đó, một công ty phát triển mạnh trong những năm qua là Zoom cũng vừa tuyên bố cắt giảm 15% nhân viên toàn cầu.

Bên cạnh đó, cuối năm 2022, Apple đã làm chậm lại quá trình tuyển dụng của mình, thậm chí là đóng băng tuyển dụng của công ty. Nhưng thực tế đã chứng minh, nó đã giúp Apple tránh được làn sóng sa thải nhân viên.

Theo báo cáo của Bloomberg, việc Apple tránh được tình trạng sa thải nhân viên đã nói lên mức độ hiệu quả và lợi nhuận của công ty trên tất cả các lĩnh vực kinh doanh của hãng. Các dữ liệu cho thấy Apple đã tăng hơn gấp đôi doanh thu trên mỗi nhân viên bổ sung trong 6 năm qua, một kỳ tích đáng kinh ngạc.

chien-luoc-kinh-doanh-cua-apple-4-1676360674-1676428350.jpeg

Mô hình kinh doanh của Apple khác biệt đáng kể so với mô hình của các công ty công nghệ lớn khác.

Dưới đây là 3 nguyên nhân khiến "gã khổng lồ xứ Cupertino" vẫn có thể trụ vững trước bối cảnh suy thoái kinh tế hiện nay.

Tự nguyện cắt giảm lương

Vị giám đốc điều hành của Apple đã tự mình yêu cầu giảm lương vì ông cảm thấy cảm thấy rằng mức lương của mình quá cao. Trong một hồ sơ gửi Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch (SEC), Apple cho biết mức lương của Tim Cook sau khi điều chỉnh sẽ là 49 triệu USD trong năm 2023. Điều này bao gồm mức lương cơ bản 3 triệu USD, cùng với 6 triệu tiền thưởng và vốn đầu tư của chủ sở hữu là 40 triệu USD. Ngoài ra, tỷ lệ đơn vị cổ phiếu được trao cho Tim Cook gắn liền với hiệu suất của Apple cũng sẽ tăng lên 75% so với 50% trước đó.

Ủy ban lương thưởng của Apple cho biết, họ đã thực hiện thay đổi này để đáp lại cuộc bỏ phiếu trả lương năm ngoái, trong đó chỉ 64% cổ đông chấp thuận khoản lương của Tim Cook, giảm từ 95% so với năm 2020. Theo đó vào năm ngoái, giám đốc điều hành Apple đã nhận được gói lương 99,4 triệu USD. Điều này bao gồm mức lương cơ bản tương tự là 3 triệu USD và khoảng 83 triệu USD tiền thưởng và cổ phiếu.

Hạn chế tuyển dụng ồ ạt

Lý do chính đằng sau “làn sóng” sa thải công nghệ hàng loạt gần đây là do việc tuyển dụng ồ ạt, điều mà Apple đã không làm trong đại dịch Covid-19. So với các công ty công nghệ khác, Apple đã mở rộng quy mô lực lượng lao động của mình với tốc độ chậm và cẩn trọng hơn hơn. 

Phát triển một cách thận trọng cũng là một phần văn hóa của công ty, minh chứng là lần sa thải hàng loạt gần đây nhất của họ xảy ra vào năm 1997, khi Steve Jobs trở lại Apple và sa thải 1/3 trong số 14.500 nhân viên lúc bấy giờ. Trong ba năm qua, lực lượng lao động của Apple đã tăng 20%, phù hợp với xu hướng tăng trưởng của từng năm.

Sự cạnh tranh trong thời kỳ đại dịch đã khiến các “ông lớn” thuê nhiều người hơn bao giờ hết: lực lượng lao động của Amazon tăng gấp đôi, trong khi số nhân viên của Meta tăng 94%, Microsoft và Google mỗi công ty tăng hơn 50% nhân sự. Tính từ tháng 9/2022 đến nay, gã khổng lồ Apple đã thuê gần 164.000 nhân viên toàn thời gian cho các bộ phận trong công ty cũng như lĩnh vực bán lẻ. Và thay vì phải sa thải hàng loạt nhân viên, Apple đã xoay xở bằng cách thuê ít người mới hơn.

Theo một tuyên bố được đưa ra trên Wall Street Journal, ông Tom Forte, nhà phân tích nghiên cứu cấp cao tại ngân hàng đầu tư DA Davidson & Co cho rằng gã khổng lồ Cupertino có thể không thay thế những nhân viên đã nghỉ việc hoặc nghỉ hưu để tránh cơn “bão” sa thải.

Cung cấp ít đặc quyền hơn

Không chỉ thận trọng khi tuyển dụng nhân viên mới, công ty này cũng cung cấp tương đối ít đặc quyền hơn cho nhân viên. Trái ngược với hầu hết các “ông lớn” công nghệ khác, Apple không cung cấp bữa trưa miễn phí cho nhân viên như Google hay Meta, điều này đã giúp công ty tiết kiệm được một khoản tiền đáng kể.

Dịch vụ dọn dẹp miễn phí như công ty khởi nghiệp công nghệ tài chính Stripe cũng không xuất hiện ở đây. Tương tự như vậy, tiền lương của Apple nói chung cũng không quá cao như các đối thủ cạnh tranh - điều đã trở nên phổ biến với giới công nghệ ở Thung lũng Silicon.

Bạn đang đọc bài viết "Cách mà Apple tránh được làn sóng "sa thải hàng loạt" nhân viên" tại chuyên mục Công nghệ. Mọi thông tin xin gọi hotline (0896.530.666) hoặc email (doanhnghiepvadoisong@gmail.com).