Được sự kết nối từ Thạc sĩ Nguyễn Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Đầu tư xây dựng - Dịch vụ Nông lâm nghiệp Việt Nam - Trưởng Cơ quan đại diện miền Nam tại TP. Hồ Chí Minh, trong 02 ngày 17 và 18/02/2023, Câu lạc bộ doanh nhân Việt Nam(CLBDNVN) do bà Nguyễn Thị Thanh, Chủ tịch CLB làm Trưởng đoàn và Công ty CP NanoKentech - đơn vị phát triển Dự án trồng đậu đỏ adzuki hữu cơ xuất khẩu đã khảo sát 02 địa điểm là xã Tân Bình( huyện Đak Đoa), xã H Bông (huyện Chư Sê) và làm việc với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai về việc trồng đậu đỏ hữu cơ công nghệ cao xuất khẩu sang Nhật Bản.
Qua khảo sát, Đoàn CLBDNVN và NanoKentech khẳng định thổ nhưỡng, khí hậu của tỉnh Gia Lai hoàn toàn phù hợp với sinh trưởng của cây đậu đỏ, kể cả vùng đất nghèo dinh dưỡng.
Ông Nguyễn Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Đầu tư xây dựng - Dịch vụ Nông lâm nghiệp Việt Nam - Trưởng Cơ quan đại diện miền Nam tại TP. Hồ Chí Minh (người đứng thứ 5 từ trái qua) cùng CLBDNVN khảo sát thổ nhưỡng tại xã Tân Bình, huyện Đak Đoa.
Theo ông Trần Trung Tuấn, Trưởng ban đầu tư CLBDNVN, Chủ tịch HĐQT Công ty CP NanoKentech: "Hiện nay, nhu cầu sử dụng đậu đỏ của Nhật Bản khoảng hơn 110 triệu tấn/ năm. Nhật Bản chỉ sản xuất được 42,2 ngàn tấn/năm, còn lại phải nhập khẩu từ các nước: Trung Quốc, Canada, Mỹ, Úc. Trong đó, nhập từ Trung Quốc 50 ngàn tấn/năm, Canada 16 ngàn tấn/năm (số liệu năm 2022). Trong khi đó, Việt Nam nói chung và tỉnh Gia Lai nói riêng hội tụ nhiều yếu tố thuận lợi về thổ nhưỡng, khí hậu để canh tác cây đậu đỏ. Nếu được phép triển khai các Dự án trồng đậu đỏ hữu cơ công nghệ cao xuất khẩu sang Nhật Bản và EU trên địa bàn tỉnh Gia Lai thì Công ty sẽ đầu tư giống, kỹ thuật và phương pháp phòng bệnh hữu cơ và bao tiêu toàn bộ sản phẩm đầu ra”.
Thạc sĩ Nguyễn Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Đầu tư xây dựng - Dịch vụ Nông lâm nghiệp Việt Nam - Trưởng Cơ quan đại diện miền Nam tại TP. Hồ Chí Minh cùng CLBDNVN làm việc với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Gia Lai.
Đề cập đến hiệu quả kinh tế, đại diện đơn vị triển khai Dự án cho biết: "Nếu vùng trồng được canh tác đúng tiêu chuẩn kỹ thuật organic từ phía đối tác Nhật Bản thì năng suất bình quân đạt từ 1,2 đến 1,5 tấn/ha/vụ. Thời tiết thuận lợi, canh tác đúng sản lượng có thể cao hơn. Thời gian thu hoạch từ khi gieo hạt là 90 ngày đến 100 ngày. Mỗi năm có thể sản xuất 1 đến 2 vụ. Giá thu mua từ 45 ngàn đồng/kg, giá đậu thường trong nước khoảng 30-35 ngàn đồng/kg. Hiện nay, Công ty đã trồng thử nghiệm cây đậu đỏ tại các tỉnh: Sơn La, Hoà Bình và sẽ triển khai trồng thử nghiệm cây đậu đỏ theo quy định chuẩn hữu cơ tại các tỉnh Tây Nguyên như: Đăk Nông, Kon Tum, Gia Lai…”.
Ông Lưu Trung Nghĩa, Tỉnh ủy viên - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Gia Lai phát biểu tại buổi làm việc với Thạc sĩ Nguyễn Dũng, Phó chủ tịch Hiệp hội Đầu tư xây dựng dịch vụ Nông Lâm nghiệp Việt Nam - Trưởng Cơ quan đại diện miền Nam tại TP. Hồ Chí Minh và CLBDNVN.
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Lưu Trung Nghĩa, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai hoan nghênh thiện chí của CLBDNVN và Công ty CP NanoKentech muốn hỗ trợ sinh kế cho bà con nông dân của tỉnh và các doanh nghiệp phát triển tại địa phương với nhiều đổi mới và sáng tạo. Đồng thời, Sở sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi về quỹ đất để CLBDNVN và NanoKentech phát triển cây đậu đỏ Nhật Bản trên địa bàn tỉnh.