Trong đó, đề ra các mục tiêu cụ thể và định hướng, giải pháp cơ cấu lại ngành Nông nghiệp theo hướng thực chất, hiệu quả; khai thác và phát huy hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương; đẩy mạnh phát triển nông nghiệp sinh thái, ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm.
Hợp tác xã Rau an toàn Vân Hội xanh, xã Vân Hội, huyện Tam Dương là một trong những hợp tác xã đầu tiên trên cả nước ứng dụng triển khai phần mềm VietGAP điện tử trong trồng trọt. Theo bà Dương Thị Quỳnh Liên, Giám đốc Hợp tác xã: Nhờ ứng dụng phần mềm VietGAP điện tử trên máy tính hoặc trên điện thoại thông minh, hoạt động sản xuất, kinh doanh của hợp tác xã trở nên khoa học, thuận lợi. Hiện các xã viên không phải ghi chép nhật ký sản xuất bằng tay, thay vào đó, với phần mềm VietGAP điện tử, chỉ cần tra cứu trên điện thoại là tất cả quy trình sản xuất, tiêu thụ đều được hiển thị.
Bên cạnh đó, việc quản lý vật tư đầu vào như: giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và việc giám sát quy trình sản xuất của xã viên cũng được thuận tiện, dễ dàng hơn. Đây cũng là điểm nhấn quan trọng để hợp tác xã xây dựng hình ảnh và quảng bá sản phẩm đến người tiêu dùng.
Mỗi tháng, Hợp tác xã Rau an toàn Vân Hội xanh cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh hàng chục tấn rau, củ, quả an toàn các loại. Nhờ áp dung phần mềm này, sản lượng rau của hợp tác xã tăng hơn từ 5 - 10% so với trước đây.
Vụ mùa 2022, Phòng nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vĩnh Tường phối hợp với Công ty cổ phần Nicotex Hà Nội ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp xây dựng mô hình phun thuốc phòng trừ sâu bệnh cho lúa bằng máy bay không người lái tại xã Yên Bình với diện tích 70 ha tại 8 cánh đồng. Công nghệ máy bay không người lái có hệ thống phun tự động, chính xác, đồng đều, bay theo lập trình, ghi nhớ điểm phun, tự động nhận biết lượng thuốc trong bình khi gần hết.
Công nghệ này đã tiết kiệm nước, tiết kiệm thuốc và nhân công lao động; thời gian phun nhanh hơn so với phun bằng bình phun; giảm tiếp xúc trực tiếp của con người với thuốc. Đồng thời, giảm ô nhiễm không khí, đất, nguồn nước do thuốc bám trên mặt lá lúa không bị rửa trôi trên đất, giảm thiểu ảnh hưởng đến vi sinh vật đất, giữ được kết cấu đất, giảm thoái hóa đất.
Theo đánh giá của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, việc ứng dụng công nghệ này vào sản xuất không chỉ giúp người nông dân tiết kiệm chi phí mà còn giúp nâng cao sức khỏe, giảm đáng kể việc sử dụng thuốc trừ sâu, phân bón và tiền thuê nhân công; góp phần tăng hiệu suất công việc, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Sản phẩm làm ra sạch hơn, chất lượng hơn và năng suất cao hơn; công nghệ đã từng bước thay đổi nhận thức của người nông dân, hướng đến nền nông nghiệp xanh.
Thực hiện Nghị quyết số 19 của Trung ương, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 28, chỉ đạo ngành Nông nghiệp thực hiện tái cơ cấu theo hướng thực chất, hiệu quả, khai thác và phát huy lợi thế nền nông nghiệp nhiệt đới, tiềm năng, lợi thế của từng địa phương. Đồng thời, đẩy mạnh tích tụ, tập trung đất đai; phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, chuyên canh hàng hoá tập trung, quy mô lớn, bảo đảm an toàn thực phẩm dựa trên nền tảng ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, chuyển đổi số, cơ giới hoá, tự động hoá; gắn kết chặt chẽ nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ, sản xuất với bảo quản, chế biến và tiêu thụ nông sản.
Trong đó, định hướng, tạo điều kiện về cơ chế, chính sách khuyến khích nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với lợi thế và nhu cầu thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, hình thành các vùng sản xuất chuyên canh quy mô lớn, đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất; khuyến khích phát triển nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao.
Chăn nuôi được định hướng phát triển thành ngành sản xuất chính trong cơ cấu nông nghiệp theo hướng trang trại công nghiệp, áp dụng khoa học công nghệ chăn nuôi an toàn sinh học, có địa chỉ truy xuất nguồn gốc và đầu ra ổn định. Phát triển nuôi trồng thủy sản theo hình thức thâm canh; hình thành các vùng nuôi thủy sản tập trung, tích cực đầu tư, áp dụng khoa học công nghệ trong nuôi trồng thủy sản, nâng cao chất lượng con giống truyền thống, nghiên cứu giống đặc sản để xây dựng thương hiệu cá giống của tỉnh. Đồng thời, tăng cường quản lý, phát triển và phục hồi rừng tự nhiên gắn với bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ cảnh quan, môi trường sinh thái; gắn công tác bảo vệ rừng với phát triển kinh tế rừng, từng bước hình thành ngành công nghiệp chế biến gỗ và sản phẩm gỗ cao cấp, có thương hiệu trên thị trường.
Với các giải pháp đồng bộ để đẩy mạnh phát triển nông nghiệp sinh thái, ứng dụng khoa học công nghệ, Vĩnh Phúc đặt mục tiêu đến năm 2030 phát triển nền nông nghiệp xanh, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm ô nhiễm môi trường nông thôn, giảm phát thải khí nhà kính; tốc độ tăng trưởng giá trị nông nghiệp đạt trung bình 2,5%/năm, tốc độ tăng năng suất lao động đạt 5,5 - 6%/năm. Tầm nhìn đến năm 2045, Vĩnh Phúc trở thành một trong những tỉnh có nền nông nghiệp phát triển bền vững, nông nghiệp sinh thái, sản xuất hàng hóa quy mô lớn, có giá trị gia tăng cao, gắn kết chặt chẽ với thị trường trong và ngoài nước, có ngành công nghiệp chế biến và bảo quản nông sản hiện đại./.